Con đường phát triển thị trường KHCN nhìn từ kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ
Thị trường khoa học công nghệ (KHCN) ở nước ta là một trong những yếu tố quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách có liên quan, thị trường KHCN bước đầu hình thành, phát triển và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển KTXH và một số thị trường khác, thị trường KHCN phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh…
Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 đã xác định: “Phát triển mạnh thị trường khoa học công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ. Kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương. Phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá chuyển giao công nghệ…”.
Do vậy, phát triển mạnh mẽ thị trường KHCN là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng thăm hỏi các DN tham dự Techfest 2022 tại Bình Dương. Ảnh: báo TN
Hệ thống cơ chế, chính sách thuận lợi
Nhìn lại những thành tựu trong thúc đẩy phát triển thị trường KHCN thời gian qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt vui mừng chia sẻ, từ năm 2011 tới nay, bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KH&CN được hình thành và từng bước kiện toàn từ trung ương đến địa phương cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành.
Thời gian qua, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN đã được tập trung triển khai. Đến nay, các chính sách về phát triển thị trường KH&CN được quy định chủ yếu tại 4 Luật, 6 Nghị định và 12 Thông tư. Về cơ bản đã tạo được môi trường pháp lý cho các hoạt động giao dịch, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH), phát triển công nghệ (PTCN) và khởi nghiệp sáng tạo.
Cũng theo Bộ trưởng, cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN có khoảng 22.500 thông tin về nguồn cung công nghệ, 365.000 thông tin về sở hữu trí tuệ. Theo thống kê từ các sàn giao dịch công nghệ và thiết bị đang hoạt động tại Việt Nam, số lượng nguồn cung công nghệ được thu thập và phổ biến hiện nay khoảng 77.000 bản ghi. Nguồn cầu công nghệ của thị trường KH&CN chủ yếu đến từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhu cầu và cách thức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hoá KH&CN của doanh nghiệp tại Việt Nam có thể được minh hoạ qua hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trên cơ sở phân tích số liệu điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2014-2016, cho thấy: 61,3% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó: 32,1% đổi mới sản phẩm; 39,9% đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị; 37,7% đổi mới tổ chức và quản lý và 28,6% đổi mới tiếp thị; 31% doanh nghiệp tiến hành cùng lúc từ 3-4 loại đổi mới sáng tạo. Nhu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng nhanh trong thời gian qua.
Về phương thức đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị: Đại đa số các doanh nghiệp (79,1%) lựa chọn phương thức “đầu tư vào công nghệ mới gắn liền với hàng hoá, máy móc, thiết bị” và/hoặc “nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” là phương thức chính để đổi mới quy trình công nghệ; 7,3% thông qua ký hợp đồng lao động mới với người có kỹ năng và kinh nghiệm; 7,5% thông qua sử dụng công nghệ, thiết bị do các công ty ngoài công ty mẹ cung cấp; 5,2% thông qua sử dụng công nghệ, thiết bị do các công ty khác trong công ty mẹ cung cấp…
Mặc dù việc phát triển thị trường KHCN đã đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, thị trường KHCN nước ta còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc cần tháo gỡ. Hành lang pháp lý cho sự vận hành của thị trường KHCN đã được hình thành, tuy nhiên, còn thiếu và chưa đồng bộ với các pháp luật liên quan.
Thị trường KHCN Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ các quốc gia đang phát triển, trình độ công nghệ ở mức trung bình thấp. Nguồn cung công nghệ trong nước chiếm tỷ trọng thấp, nhiều kết quả nghiên cứu của viện, trường có địa chỉ ứng dụng nhưng chưa chuyển giao được. Phần lớn kết quả nghiên cứu dừng lại ở quy mô nhỏ hoặc trong phòng thí nghiệm, chưa sẵn sàng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng cao nhưng khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng. Năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực của DN còn thấp; nhận thức về sự cần thiết phải liên tục đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế… “Nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, trong đó, hoàn thiện thị trường KH&CN là giải pháp trung tâm, có tính căn cơ lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Kỳ vọng từ Chính phủ
Không thể phủ nhận những năm qua việc phát triển thị trường KHCN không chỉ là mong muốn của người dân, doanh nghiệp mà còn là kỳ vọng của Chính phủ, các bộ, ban ngành, cơ quan. Thế nhưng, việc làm thế nào để thị trường này thực sự phát triển phù hợp với xu thế thời đại, có đóng góp lớn hơn vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước vẫn là bài toán khó.
Để giải bài toán này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc phát triển thị trường KHCN phải lấy khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Cần tăng cường hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, khơi dậy tinh thần sáng tạo trong nhân dân. Ảnh minh hoạ
Huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, cần có chính sách đồng bộ, phù hợp, sự sẵn sàng của các nguồn cung cầu công nghệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng năng lực, uy tín và thương hiệu của các tổ chức trung gian. Việc phát triển thị trường KHCN cần đặt trong bối cảnh và mối quan hệ biện chứng, liên thông, đồng bộ với phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động, tài chính và các thị trường khác; gắn kết thị trường trong nước với thị trường toàn cầu và khu vực, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, việc phát triển thị trường KHCN phải tuân thủ quy luật thị trường (quy luật cung cầu, cạnh tranh – cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, bền vững để giảm giá thành, chất lượng cao, thanh toán thuận lợi).
Mặc dù đã có những định hướng, giải pháp, tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, việc thúc đẩy phát triển thị trường KHCN vẫn là một quá trình lâu dài, nhiều chông gai và cần sự tính toán hợp lý, hiệu quả. Thủ tướng cũng đặt kỳ vọng trong giai đoạn phát triển mới, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào trong và ngoài nước; sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của các quốc gia, tổ chức, cá nhân nước ngoài, thị trường KHCN nói riêng và nền KHCN nói chung của nước ta sẽ có những bước phát triển mới, thiết thực, hiệu quả hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hán Hiển