Ngành Xây dựng: Xanh hóa, phát triển bền vững
(Xây dựng) – Ngành Xây dựng có một số hoạt động sản xuất và xây dựng sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, tiêu hao năng lượng, sản sinh ra chất thải và phát thải khí nhà kính. Với yêu cầu quy định ngày càng cao về bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và ứng phó với biến đổi khí hậu, việc xanh hóa trong sản xuất VLXD, xây dựng công trình, quản lý phát triển đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị… là giải pháp phù hợp, nhằm phát triển ngành Xây dựng theo hướng bền vững.
Quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống hạ tầng theo hướng xanh, bền vững
Yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, gìn giữ cảnh quan tự nhiên và giảm thiểu tác động của quá trình phát triển đến môi trường tự nhiên và kinh tế – xã hội là nội dung quan trọng trong quá trình nghiên cứu, lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng. Trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan, việc đảm bảo quỹ đất cho các công trình cảnh quan, cây xanh, mặt nước, công trình xử lý môi trường đã được quy định rất cụ thể. Vấn đề đặt ra là quá trình nghiên cứu, lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý, tổ chức thực hiện các quy hoạch cần tuân thủ quy định về tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh, mặt nước, cảnh quan và công trình hạ tầng kỹ thuật.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo tiến độ xây dựng, đưa vào hoạt động các hạng mục này cũng rất quan trọng, tránh tình trạng chỉ tập trung xây dựng công trình nhà ở, văn phòng, kinh doanh dịch vụ, vui chơi giải trí, còn các hạng mục công trình khác như cây xanh, vườn hoa, hồ điều hòa… lại để chậm tiến độ.
Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, việc quy hoạch, xây dựng và vận hành cần chú trọng thực hiện theo hướng hài hòa với tự nhiên, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh trong đô thị, khu dân cư.
Xu hướng tăng cường việc áp dụng các giải pháp giảm thiểu, tuần hoàn, tái sử dụng chất thải cũng cần được khuyến khích và đẩy mạnh nhằm đảm bảo các dự án phát triển đô thị, khu dân cư, khu chức năng đặc thù được phát triển theo hướng xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và tiến tới đạt phát thải ròng bằng 0.
Xanh hóa trong sản xuất VLXD
Trong những năm qua, sản xuất VLXD đã có bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và một số mặt hàng xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế. Quá trình sản xuất các sản phẩm VLXD có đặc thù là sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, tiêu hao nhiều năng lượng nhất là đối với sản xuất sản phẩm có công đoạn nung như xi măng, gạch khói, sứ vệ sinh, nấu chảy như kính, tạo ra nhiều chất thải, phát thải khí nhà kính ra môi trường.
Các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các văn bản có liên quan đã đưa ra quy định, yêu cầu phải tuân thủ về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đối với hoạt động sản xuất VLXD.
Với những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ để thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0, các DN, cơ sở sản xuất VLXD phải có kế hoạch và giải pháp, nhằm giảm sử dụng tài nguyên, năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình khai thác khoáng sản làm nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, sử dụng sản phẩm, hàng hóa VLXD.
Sau Hội nghị các bên liên quan về biến đổi khí hậu COP 26 tại Scotland – Vương quốc Anh, nhiều nước châu Âu và một số nước khác cũng đang và sẽ nghiên cứu áp dụng quy định về công bố mức phát thải carbon trong sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu. Việc xây dựng và áp dụng công bố môi trường của sản phẩm, hàng hóa (EPD) là minh chứng cho việc công khai, minh bạch hóa tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu, phát thải khí nhà kính của sản phẩm, hàng hóa, giúp người mua, người tiêu dùng có thể nhận biết rõ tác động môi trường và “tính xanh” của sản phẩm, hàng hóa để lựa chọn. Đây là công cụ để phân biệt các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ thực hiện tốt quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, giảm tác động biến đối khí hậu.
Xanh hóa trong công trình. |
Xanh hóa trong công trình
Việc phát triển công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng 0 đang là xu hướng diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Việt Nam sau khoảng gần 15 năm phát triển mới có khoảng 260 công trình xanh.
Hiện chúng ta chưa có công trình nào đạt tiêu chuẩn công trình phát thải ròng bằng 0. Trên thực tế hiện đang có một vài dự án xây dựng công trình nhà máy sản xuất công nghiệp theo hướng công trình phát thải ròng bằng 0. Đây đều là các dự án của DN nước ngoài, với cam kết mạnh mẽ và ý thức trách nhiệm cao về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững.
Cùng với các chính sách thúc đẩy phát triển công trình xanh quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiêm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, Chiến lược và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2050, Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án xanh đã và sẽ được ban hành, tạo động lực để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, gia tăng số lượng công trình xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Một số giải pháp thúc đẩy xanh hóa ngành Xây dựng
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật nhằm thúc đẩy các dự án công trình xanh, khu đô thị xanh, chứng nhận, dán nhãn xanh, nhãn năng lượng cho sản phẩm, hàng hóa VLXD và công trình xây dựng.
Hướng dẫn và hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty, DN ngành Xây dựng xây dựng kế hoạch, lộ trình và triển khai thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, giảm phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ.
Sớm ban hành quy định tiêu chí cho dự án xanh, nhằm tạo thuận lợi cho các dòng vốn vay ưu đãi, tài chính xanh tiếp cận đến dự án, DN.
Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để thúc đẩy các hoạt động phát triển công trình xanh ở Việt Nam.
Tăng cường truyền thông, tăng cường năng lực cho các bên liên quan về các nội dung sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng môi trường sống trong các công trình xây dựng, khu đô thị, khu dân cư.
Nguyễn Công Thịnh
Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng)
Nguồn: Báo xây dựng