Dưới triều Nguyễn: Ngày Tết, quan lại không buộc phải có quà dâng vua
Dưới triều Nguyễn: Ngày Tết, quan lại không buộc phải có quà dâng vua
Theo dõi MTĐT trên
Trên bản Tấu của Bộ Công vào năm Tự Đức thứ 27 (1874), Hoàng đế Tự Đức đã phê về việc nghỉ Tết: Từ nay về sau đặt thành lệ rằng, Tết Nguyên đán nghỉ từ 28 tháng Chạp đến mồng 8 đầu xuân mới làm việc, để binh lính thợ thuyền đều được nghỉ ngơi.
Nếu có công việc khẩn cấp không thể hoãn thì xin riêng, vẫn cho làm việc. Vậy khi xưa, đối với bậc đế vương, chuyện thưởng Tết được thực hiện như thế nào? Qua Châu bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới, chúng ta sẽ hiểu hơn về vấn đề này.
Michel Đức Chaigneau trong “Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” đã kể lại rằng: “Như bất kỳ nơi nào khác, quà thưởng cuối năm rất được tán đồng ở xứ Cochinchine. Mỗi dịp năm mới, nhà vua đều có quà thưởng cho quan lại: thông thường là một bộ khăn đóng áo dài hay những tấm vải”.
Những món quà tặng nhỏ trong dịp tết được trao bằng nghi thức long trọng: Đi trước có một người thừa hành lệnh và theo sau có người mang lọng che. Lọng rõ là không phải che nắng, che mưa cho món quà mà là tăng phần uy nghi cho vật phẩm triều đình. Cho dù đó chỉ là món quà bình dị – một trái lê.
Tác giả cuốn Hồi ức cũng lưu ý thêm: “Cần lưu ý là quan lại không buộc phải có quà dâng vua vào dịp cuối năm”.
Nếu ngày nay, việc thưởng tết thường được thực hiện sớm, trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán, thì dưới triều Nguyễn, vào đúng dịp tết, các hoàng đế ban thưởng cho hoàng thân, bá quan văn võ cũng như ban ân chiếu rộng khắp cho chúng dân.
Ngày mùng Một, hoàng đế ban yến thưởng tết cho các hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, võ từ tứ phẩm trở lên. Mùng Hai Tết, hoàng thượng đến làm lễ tiến tân và chiêm bái tại điện Phụng Tiên, ban thưởng yến tiệc và tiền vàng cho các quan văn từ lục phẩm, võ từ ngũ phẩm trở xuống. Ngày mùng Ba Tết, hoàng đế lại đích thân đến Thái miếu làm lễ, sai các hoàng tử, hoàng thân đến tế tại Triệu tổ miếu và miếu Hoàng khảo. Ngoài ra, ngày đó hoàng đế ban yến cho biền binh, lính thợ trấn giữ ở các đồn lũy.
Dưới triều hoàng đế Gia Long, khi đất nước vừa thống nhất, đang trong tình hình bình ổn sau chiến tranh, do vậy việc thưởng tết cho trăm quan không được nhắc đến nhiều.
Dưới triều Minh Mệnh, một văn bản của Bộ Hộ vào năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) có nội dung ghi cụ thể việc ban thưởng cho quan lại nhân Tết Nguyên đán:
Tết Nguyên đán sắp tới, trẫm sẽ ăn Tết cùng các khanh. Ngày hôm đó, truyền ban yến tiệc một bữa và tùy theo thứ bậc mà ban thưởng bạc. Hoàng tử và chư công, mỗi người thưởng 20 lạng; quan văn, quan võ hàm chánh nhất phẩm, mỗi người 12 lạng; tòng nhất phẩm 10 lạng; tòng tam phẩm 4 lạng; chánh tứ phẩm 3 lạng;…Thị nội, đội trưởng, suất đội, cai đội,… đều được thưởng mỗi người 1 lạng và đều cho dự tiệc.
Ngoài ra còn có các văn bản đề cập việc thưởng cho những người có công trạng hoặc những người cả năm làm việc chăm chỉ, khao thưởng cho biền binh theo lệ: `Phụng xét tại Kinh, số các viên biền binh lính thợ hiện trấn giữ các đồn lũy Thuận An, Tư Hiền, Hòa Quân, Lộ Châu, Triều Sơn, Thủy Tú, Phổ Lợi, Quy Lai và Thuận Hòa, hàng năm vào tiết Nguyên đán được chuẩn ban yến tiệc và theo lệ, tiền chiết cấp có mức độ khác nhau.
Hoàng đế cũng ban thưởng rộng khắp chúng dân. Trong các khoản vâng theo chiếu báu để ban ơn cho quân dân vào Tết Nguyên đán năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), có một khoản rằng: người 80 tuổi trở lên cấp cho 1 súc vải, 1 phương gạo; người 90 tuổi trở lên cấp cho 1 súc lụa, 2 phương gạo; người 100 tuổi trở lên cấp cho 2 súc lụa, 1 súc vải, 3 phương gạo.
Văn bản còn nêu rõ:
Chúng thần đã dán treo công bố rộng khắp để toàn hạt được biết… Lại sức cho các quan phủ huyện đến trấn làm đơn lãnh lương gạo về lị sở, theo hạng phân cấp để tiện cho dân. Nghiêm sức không được mượn việc mà xâm lạm, lừa dối, để trừ thói xấu.
Theo ân chiếu của hoàng đế Minh Mệnh, các tỉnh trấn có người nghèo khổ, túng quẫn, cô quả, tàn tật… thì quan lại phụ trách lưu tâm cấp dưỡng.
Ngoài ra, hoàng đế cũng quy định, gặp tiết Nguyên đán, phạm tội công hay tư, bị cách chức hay giáng chức nhưng chưa thi hành đều được hưởng ân điển.
Năm Tự Đức 24 (1871), Bộ Hộ tâu về việc vâng Thượng dụ, gia ơn cho các quan viên văn võ nhân tiết Nguyên đán: Trong thời gian từ 29 tháng 12 năm ngoái trở về trước, nếu bị giáng cấp thì được khôi phục, nếu bị phạt bổng thì được xét miễn.
Tết Nguyên đán cũng là dịp hoàng đế ân xá cho những người phạm tội. Bản Tấu của Bộ Hình năm Duy Tân thứ 3 (1909) cho biết: nhân dịp Tết Nguyên đán, xem xét giảm án và phóng thích các loại tù phạm hiện đang bị giam giữ. Trong đó, tù tử tội giảm xuống đánh 100 trượng, lưu đày khổ sai 9 năm.
Cũng có năm, hoàng đế cho dừng việc chúc tết và ban thưởng yến vì những lý do “đặc biệt”:
Vì biên thùy chưa yên:
Năm Tự Đức thứ 15 (1862), Bộ Hộ và Bộ Lễ tâu trình về việc: Tết Nguyên đán sắp tới, xin dừng việc ban yến tiệc vì biên thùy chưa yên, tướng sĩ ở ngoài phải gian lao mà đình thần được ban yến thì trong lòng thực không yên, khoản yến tiệc xin tạm dừng một lần. Hoàng đế Tự Đức phê lên bản Tấu: Nếu dừng việc ban yến thì việc chúc mừng cũng nên đình chỉ.
Vì có nhật thực và đang có dịch bệnh:
Văn bản của Nội các năm Tự Đức thứ 2 về việc dừng tổ chức chúc Tết và ban yến: Sáng ngày mùng 1 Tết năm tới có nhật thực. Nay lại đang có dịch bệnh lưu hành. Vì vậy, thiết triều chúc tết và ban yến ngày mùng 1 Tết năm mới đều truyền cho đình chỉ.
Câu chuyện thưởng Tết cho thấy nghi thức ban thưởng, tặng quà long trọng, cầu kỳ và cũng phần nào cho thấy tấm lòng của các vị hoàng đế triều Nguyễn đối với thần dân.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị