Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội: Giải pháp tháo gỡ khó khăn?
(Xây dựng) – Phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tạo cơ hội cho hàng triệu người thuộc nhóm đối tượng chính sách xã hội có một mái ấm, an cư lạc nghiệp. Để hiện thực hóa chủ trương này, thời gian qua, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã tập trung rà soát các quy định của pháp luật, đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển NƠXH. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng 1 triệu căn NƠXH. Đề án kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn cung, góp phần làm giảm giá nhà, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho nhiều lao động.
Chính sách phát triển NƠXH còn nhiều hạn chế
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng các chính sách hỗ trợ phát triển NƠXH, đến quý IV/2022, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án NƠXH khu vực đô thị và NƠCN KCN, quy mô xây dựng khoảng 155,8 nghìn căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2.
Hiện nay, đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng 454 nghìn căn, tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300 nghìn căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và 156 dự án, với quy mô 156,7 nghìn căn hộ đang đầu tư xây dựng.
Theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), đối với dự án NƠXH khu vực đô thị, đến nay, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 175 dự án, quy mô xây dựng khoảng 93 nghìn căn hộ, với tổng diện tích 4,6 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 274 dự án, quy mô xây dựng 293,5 nghìn căn hộ, với tổng diện tích 14,7 triệu m2.
Đối với NƠCN KCN đã hoàn thành đầu tư xây dựng 126 dự án, quy mô xây dựng khoảng 62,7 nghìn căn hộ, với tổng diện tích hơn 3 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 127 dự án, quy mô xây dựng khoảng 161 nghìn căn hộ, tổng diện tích hơn 08 triệu m2.
Có thể thấy, việc đầu tư xây dựng NƠXH đạt một số kết quả rất đáng ghi nhận, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình trên khắp cả nước có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về đất đai, nguồn vốn,… dẫn đến nhiều đối tượng khó khăn trong tiếp cận NƠXH.
Nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra tại Hội nghị thúc đẩy phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp ngày 01/8/2022. Tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 – 2030.
Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện Đề án và có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NƠXH đạt mục tiêu đề ra.
Chia sẻ về những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thủ tục xây dựng NƠXH, trả lời tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Kỳ họp thứ 4 ngày 03/11/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Bộ Xây dựng sẽ cùng với các cơ quan, Bộ, ngành tiếp tục tập trung rà soát các quy định của pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển NƠXH. Trong đó, có quy trình thủ tục, đồng thời, thực hiện các giải pháp để tháo gỡ trong thủ tục hành chính, đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch để triển khai phát triển NƠXH.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, trong thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn NƠXH cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và cho công nhân sẽ thực hiện cụ thể các giải pháp này trong thời gian tới.
Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng NƠXH
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH, trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án NƠXH. Đồng thời, ngày 16/8/2021 Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH. Trong đó, Thông tư đã dành một chương quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH. Các quy định này đã góp phần minh bạch hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN, người dân thực hiện. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 (trong đó có nội dung quy định về quá trình đầu tư xây dựng dự án NƠXH, nhằm giải quyết những bất cập liên quan đến thủ tục đầu tư dự án), dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung quy định về quá trình thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án NƠXH theo hướng rõ ràng, minh bạch.
Bộ Xây dựng luôn xác định phát triển NƠXH trên cả nước phải gắn với phát triển thị trường BĐS, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Trả lời tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã chỉ ra một số giải pháp cụ thể, nhằm giúp DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH.
Thứ nhất, sửa đổi các quy định pháp luật, trong đó, Chính phủ đã sửa đổi một số điều tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về đầu tư phát triển NƠXH; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP cũng đã sửa đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, làm rõ quy định theo hướng dễ thực hiện. Nghị định số 49/2021/NĐ-CP năm 2021, Chính phủ quy định trình tự thủ tục đầu tư xây dựng dự án NƠXH. Theo đó, một dự án đầu tư NƠXH gồm 3 bước.
Một là, chuẩn bị đầu tư gồm các thủ tục liên quan đến việc dành quỹ đất, giao đất, tính tiền sử dụng đất; các vấn đề thủ tục trình tự đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư cũng như các bước liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Bước hai là thực hiện các dự án đầu tư và bước ba liên quan đến kết thúc nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Thứ hai, thời gian qua, Chính phủ cũng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy phát triển các dự án NƠXH, nhà ở công nhân. Tại thông báo Kết luận số 242 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ nhiệm vụ của các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương phải tích cực triển khai thực hiện dự án nhà ở, bao gồm NƠXH, nhà ở cho người thu nhập thấp.
“Chúng ta đã biết, hiện nay theo quy định pháp luật, việc thực hiện dự án đầu tư này đã được phân cấp và giao cho địa phương toàn quyền quyết định thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án NƠXH” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Trong Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp đồng bộ, cụ thể, từ khâu hoàn thiện thể chế, chính sách đến tổ chức thực hiện, phân giao nhiệm vụ cụ thể của Trung ương và địa phương. Cụ thể là: Bộ Xây dựng chủ trì tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân KCN. Song song đó là giải pháp tổ chức triển khai, thực hiện dự án NƠXH, nhà ở công nhân với việc phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan, địa phương và DN; phân cấp triệt để, rút ngắn thủ tục hành chính; tổng hợp, đề xuất và phân bổ đủ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, để thực hiện chính sách hỗ trợ NƠXH… Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; trong đó làm rõ mục tiêu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân KCN phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg, ngày 22/12/2021, làm cơ sở chấp thuận đầu tư các dự án. Cần có cơ chế, giải pháp cụ thể phân cấp, đơn giản, rút ngắn thủ tục hành chính theo thẩm quyền về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút DN tham gia, tạo nguồn cung cho thị trường…
Nguồn: Báo xây dựng