Bếp mẹ Tết về
(Xây dựng) – Mẹ ơi! Hoa mai kìa mẹ, lại sắp tết rồi đó mẹ.
Tiếng con trẻ reo vui, háo hức, mà lòng mẹ trăm mối ngổn ngang. Những cơn mưa cuối mùa của phương Nam, sao buồn quá. Cảnh siêu thị trưng bày hàng tết tưng bừng, rực rỡ, không làm vơi đi nỗi buồn vắng khách. Ngoài kia, vòng quay bánh xe mệt mỏi, những chuyến xe trở về quê sớm hơn dự định, vì công ty không còn việc để làm, để duy trì cuộc mưu sinh của biết bao số phận làm thuê. Chợ vắng bóng người, người bán than vãn vì ế ẩm. Hoang mang trước một mùa Xuân, với những ảm đạm kinh tế.
Tết ư! Đã có gì đâu mà nghĩ đến tết. Mắt mẹ rưng rưng trước những thơ ngây của con trẻ. Chúng ríu rít nói về ngày tết, những món ăn hàng năm mà mẹ vẫn chuẩn bị. Còn mẹ thì nghẹn lòng. Giá như đừng tết, giá như không gia đình và giá như đừng làm mẹ. Chưa bao giờ, giữa cuộc đời lại có nhiều điều giá như đến thế. Lúc này, càng cố gắng, nỗ lực, lại càng cảm thấy bất lực.
Và tôi thấy xót xa mẹ tôi. Những cái tết khó khăn thuở thơ ấu như thước phim quay chậm, trở về. Ngày ấy, tôi ngây ngô đón tết, chưa biết đến bao nỗi lo âu, trăn trở của mẹ trong những ngày này. Bếp vẫn đỏ lửa, mẹ vẫn miệt mài chuẩn bị tết, để các con không tủi thân. Những món ăn mẹ nấu ngày tết có vị lạ lắm, thấm lắm, vì nó được hoà với nước mắt của sự tủi cực, cơ cầu, bôn ba bươn trải gió trời, bụi đời, để tết đến xuân về, đủ đầy bánh chưng, thịt đông, dưa hành, nem, măng miến. Bàn thờ ông bà nghi ngút hương trầm, với bánh trái, ngũ quả. Đó là cả một năm đổ mồ hôi giọt ngắn, giọt dài, chắt chiu, lần hồi bước thấp bước cao của mẹ.
Mẹ chưa bao giờ lỡ tết, bếp mẹ chưa bao giờ thiếu đi một món ăn nào. Tất cả đều mang đậm hương vị của gia đình Việt. Trong các món đó, món canh măng lưỡi lợn chân giò khiến tôi khoái nhất và chờ đón nhất. Mẹ lúi húi ngâm mớ măng lưỡi lợn, đặt mua từ trước tết cả tháng, vào thau nước vo gạo nếp gói bánh chưng, măng dày màu vàng mật ong, miếng nào miếng nấy như bàn tay. Khi măng no nước, nở đủ độ mềm, bấm tay vào đoạn nào hơi xơ, mẹ gọt bỏ đi, rồi đem tất cả phần non cho vào nồi luộc cùng với nước muối, hai ba lần thật kỹ, mới đem thái miếng chéo theo thớ ngang. Thịt chân giò chặt khúc vừa ăn, ướp mắm, hành khô, bột canh, một ít ngũ vị hương. Mộc nhĩ ngâm cho nở, cắt hết phần chân nấm, rồi thái sợi, nấm hương cũng ngâm mềm, loại bỏ chân, cắt làm đôi. Sau đó, phi hành thật thơm, đem xương, măng, mộc nhĩ, nấm hương xào cho chín đều và thật ngấm gia vị, mẹ đổ nước sấp mặt măng và ninh nhỏ lửa, tới khi măng thịt chín mềm. Mẹ chuẩn bị miến dong chín, bỏ sẵn vào bát tô, mẹ múc món canh măng chân giò đang sôi sùng sục vào tô có miến và bỏ vào hành mùi thái sẵn. Món canh măng chưa bao giờ thiếu trong mâm cơm chiều 30 tết. Vị rất đặc biệt, là kết tinh tình yêu thương, là thành quả từ sự nhọc nhằn của mẹ. Hương thơm bát canh làm những đứa con như tôi không khỏi xuýt xoa. Trong tiết trời se lạnh, lất phất mưa xuân, bên cành đào phai e ấp nụ, là tiếng cười con đầy hạnh phúc, là sự ấm áp của gia đình.
Bát canh măng ấy theo chúng tôi đi xây dựng gia đình như một vòng quay của kiếp người. Chúng tôi lại cũng lo toan gia đình nhỏ bé của mình, với những bát canh măng chân giò ngày tết cho nhà chồng, cho các con chúng tôi. Chúng tôi cười nói vui vẻ bên mâm cơm 30 tết, ở xa, chỉ điện thoại chúc mẹ năm mới mạnh khoẻ. Không ai nghĩ rằng bát canh măng 30 tết của mẹ lại đổ vào nồi cất đi, lại hoà nước mắt tủi thân của mẹ cho đến tận sáng mùng 2 Tết các con về mới đem ra ăn. Các con vẫn vô tư cười nói, khen canh măng của mẹ, của nội, của ngoại ngon tuyệt vời; mang hương vị đặc biệt của sự đoàn viên.
Và hôm nay, đứa con đã 20 năm làm mẹ như tôi, bỗng nhiên thấy mằn mặn đầu môi vì chợt nghe tết đến, nghĩ đến khó khăn đang hiện hữu, chợt nhớ đến món canh măng chân giò ngày tết của mẹ tôi và của tôi. Giọt nước mắt không kịp tuôn rơi đã vội nuốt vào trong, bởi nụ cười và sự thơ ngây của con trẻ… Tết đã về!
Nguồn: Báo xây dựng