Mứt – Thức quà mang đậm hương vị Tết cổ truyền
Ngày cuối cùng của năm cũ, bà Nguyễn Thị Tâm (72 tuổi, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhẹ nhàng đặt khay mứt lên bàn thờ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 30 Tết là trên bàn thờ nhà bà Tâm đã có hộp mứt. Bà cho rằng đây là thức quà chỉ Tết mới có, mới đúng Tết cổ truyền.
“Đây không đơn thuần chỉ là một thức quà, đây còn mang trong mình vẻ đẹp truyền thống của Tết Việt, của những nguyện ước tốt lành đầu năm mới”, bà Tâm bày tỏ.
Mứt vốn là thức quà mang đậm hương vị Tết cổ truyền. |
Tương tự, chị Lê Thị Tuyết (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, khi chị còn bé, mứt chỉ có mỗi dịp Tết đến. Mỗi nhà được mua một hộp có trọng lượng từ 250 đến 350 gam. Nói là mứt Tết nhưng chẳng mấy nhà ăn mứt đúng 3 ngày Tết, mà phải để thắp hương, đến khi hóa vàng, dỡ mâm ngũ quả mới được ăn.
“Trong hộp mứt Tết ấy, mỗi loại chỉ vài ba miếng bé tẹo và vị nào cũng nhiều đường, ăn ngọt lừ. Vì thế năm mới đến nhà ai được mời bánh mứt là rất thích, bởi đằng sau những miếng mứt thơm ngon đó là cả một sự kỳ công và tỉ mỉ của những người làm ra”, chị Tuyết xúc động nhớ lại.
Cho đến nay, trong tâm trí của nhiều người Việt Nam, nhắc đến Tết, nhất định không thể thiếu mứt Tết. Mứt Tết luôn là thức quà ngọt ngào, đậm vị kết hợp cùng chén trà nóng đầu Xuân, đưa câu chuyện bên bàn tiệc thêm đôi lời hay ý đẹp.
Nhưng không đơn thuần chỉ có vậy, mứt Tết còn là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt, gắn liền với những hồi ức khó phai về một thời cuộc sống còn chưa được sung túc nhưng rất đỗi bình dị, an yên, người người sống với nhau chân thành, gần gũi.
Nhiều năm trước đây, cứ mỗi dịp Tết về, người người nhà nhà lại quây quần cùng nhau, riu riu lửa hồng, tự tay nấu đường làm mứt để chuẩn bị cho những ngày đầu năm. Mọi người mời nhau những vị ngọt mà chính bản thân gửi gắm vào đó thay cho lời chúc tốt lành nhất.
Thông thường, một khay mứt Tết truyền thống luôn có hình tròn, chia làm 8 ô với đầy đủ các loại mứt như mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt lạc, mứt quất, mứt sen… tương ứng với vị chua, cay, ngọt, bùi như chính hương vị của cuộc sống cũng như thể hiện sự hòa quyện của bốn mùa trong năm.
Trong đó, mứt dừa là dễ làm nhất trong các loại mứt. Mứt dừa dễ làm, lại thơm và dễ ăn nên thường được các bà, các mẹ lựa chọn để tự tay thực hiện. Mứt được làm từ cơm dừa bào mỏng cùng đường cát trắng, thành phẩm có vị ngọt thơm tự nhiên, vị ngậy béo đặc trưng của cùi dừa. Tùy theo sở thích mà khi chế biến, mứt dừa được thêm màu sắc bắt mắt cũng từ những nguyên liệu thiên nhiên…
Ngoài ra, trong thời tiết se lạnh của những ngày đầu xuân, ngồi nhâm nhi một lát mứt gừng cay cùng tách trà nóng thì quả thật là thi vị. Mứt gừng mang ý nghĩa cầu mong cho một năm mới ấm áp và hạnh phúc cho mọi gia đình. Một chút ngòn ngọt phủ quanh vị cay cay nồng ấm của gừng mang lại cảm giác thích thú cho người thưởng thức. Bên cạnh đó, mứt gừng còn có tác dụng giải độc, làm ấm người và kích thích tiêu hóa cho những ngày Tết ăn uống không điều độ.
Có thể thấy, mỗi loại mứt không chỉ mang hương vị đặc trưng mà còn có ý nghĩa riêng nên không ít gia đình cầu kỳ còn lựa chọn và bày biện theo phong thủy. Ví như, mứt quất tượng trưng cho “may mắn, an lành và thịnh vượng”; mứt hạt sen “gia đình sum họp, con cháu đầy nhà”…
Cuộc sống hiện đại với nhiều món ngon, lạ. Song những món mứt mang hương vị truyền thống thì vẫn gắn bó lâu bền với người Việt, nhất là trong dịp Tết đến, Xuân về. Sự ngọt ngào của đường sên với những thứ nguyên liệu tươi ngon tạo nên hương vị của các loại mứt Tết. Những mùi hương ấy vừa nghe đã thấy Tết cổ truyền đang đến thật gần, để ai cũng thèm lắm cái Tết sum vầy bên gia đình, bè bạn…
Mứt là một món ăn ngọt được chế biến từ các loại trái cây và một số loại củ nấu với đường đến độ khô từ 65% – 70%. Nguyên liệu đường trong mứt rất cần thiết và cần đạt nồng độ khoảng 55% – 60%. Đường không chỉ đóng vai trò làm ngọt mà còn có tác dụng bảo quản và tăng độ đông cho mứt. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô