Kiến nghị giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp du lịch vượt qua đại dịch
Theo Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm 2020 đến nay ngành du lịch và hàng không chịu thiệt hại nặng nề chưa từng có, mọi hoạt động gần như tê liệt. Hầu hết các doanh nghiệp đều điêu đứng, ngưng hoạt động, không có doanh thu… nhưng vẫn phải chịu áp lực lớn với hàng loạt chi phí: trả lương cho lao động (mặc dù đã cắt giảm và cơ cấu lại nhân sự), trả lãi vay, nợ, hoàn tiền cho khách hàng với các chi phí đã đặt trước.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả, miễn, giảm lãi, phí, đã hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng trả nợ tốt hơn, trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, vận tải du lịch vẫn chưa thể thực hiện được vì chưa hồi phục lại hoạt động.
Đến ngày 2/4/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. Tuy nhiên, sau khi Thông tư ban hành, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với diễn biến càng phức tạp và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với năm 2020.
Hiện nay, dù cơ cấu thời hạn trả nợ thêm 12 tháng theo Thông tư 03/TT-NHNN quy định, doanh nghiệp du lịch vẫn vô cùng khó khăn trong thanh toán các khoản nợ.
Hiệp hội Du lịch TP.HCM kiến nghị giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp du lịch vượt qua đại dịch.
Hiện ngành du lịch vẫn lao đao và chưa thể hồi phục ngay, nhiều doanh nghiệp bị tê liệt hoàn toàn, một số doanh nghiệp đã phá sản, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay… cho các ngân hàng đúng quy định. Trong khi đó, ngành du lịch cũng chưa xác định được thời gian đón khách quốc tế vào lúc nào khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khiến doanh nghiệp du lịch khó càng thêm khó.
Do đó, đơn vị này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, UBND TP.HCM và Sở Du lịch TP.HCM nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch.
Cụ thể, hiệp hội đề xuất giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ, đồng thời ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu cho các doanh nghiệp trong ngành. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 81 nghìn lượt người, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành theo đó cũng giảm 48,2%, còn 4,3 nghìn tỷ đồng.
Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước là Khánh Hòa giảm 85,6%; Quảng Nam giảm 68,4%; Thừa Thiên – Huế giảm 48,8%; TP.HCM giảm 46,7%; Bắc Ninh giảm 38,1%; Bình Định giảm 33%; Hà Nội giảm 29,7%…
Trần Đức Lộc