Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu

Từ câu chuyện 10 tỷ đô la ngành Thủy sản

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 10 tháng đầu năm xuất khẩu 9,5 tỷ USD, chiếm trên 7% thị phần giao thương thủy sản toàn cầu, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

“Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi”, (Khúc hát sông quê, Nguyễn Trọng Tạo) đã mang về giá trị xuất khẩu lớn. 8 tháng đầu năm, tôm đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 22,5%; cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 80,7%.

Chỉ còn 2 tháng 11 và 12 nên ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản quả quyết: “11 tỷ USD cho cả năm 2022, vượt chỉ tiêu đề ra, đã trong tầm tay”. Theo ông Luân, sự phục hồi nhanh chóng của các thị trường nhập khẩu sau đại dịch COVID-19 cùng với biến động về nguồn cung cá thịt trắng từ Nga đã và đang mở đường cho ngành thủy sản Việt Nam tăng tốc phục hồi và chiếm được nhiều lợi thế trong những quý đầu năm 2022.

Việt Nam được đánh giá là Trời đã cho rất, rất nhiều báu vật, trong những báu vật đó có biển rộng, sông dài. Sông, biển có ý nghĩa rất nhiều mặt về kinh tế, giao thông, dân sinh…; trong đó có nguồn lợi thủy sản. Nói theo ngôn ngữ “thời thượng”, Việt Nam ở vào vị thế tự nhiên tạo ra “dư địa” lớn cho ngành Thủy sản.

Từ lâu nay, Chính phủ, các địa phương hết sức quan tâm đến nghề nuôi thủy sản nước ngọt. Cách đây không lâu, ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 339/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ nêu 3 quan điểm phát triển, đầu tiên xác định: “Xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững. Hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả”.

Tất nhiên, phạm vi “điều chỉnh” của Quyết định này, không chỉ dành riêng cho cá nước ngọt mà điều chỉnh chung cho nghề Cá (bảo vệ, phát triển nguồn lợi; khai thác; nuôi trồng; chế biến và thương mại thủy sản) cả trên sông, biển.

Về thương mại thủy sản, Quyết định đặc biệt lưu ý: “Giữ vững, phát triển thị phần thủy sản Việt Nam tại các thị trường trọng điểm (Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản,…), không ngừng mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng (Hàn Quốc, Trung Đông, Đông Âu, Nam Mỹ và Đông Nam Á,…). Củng cố và phát triển chế biến thủy sản nội địa, mở rộng thị trường trong nước trên cơ sở đa dạng hóa các sản phẩm, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam”.

Thủy sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 155 thị trường quốc tế; trong đó 6 thị trường dẫn đầu là Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và ASEAN chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu. “Như vậy, con cá, con tôm… mang thương hiệu Việt Nam đã là những sứ giả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, TS. Tạ Quang Ngọc chia sẻ.

Chúng ta đang ở đâu trong chuỗi logistics toàn cầu?

Trở lại với thủy sản Việt Nam, rõ ràng thị trường xuất khẩu đang rất thuận lợi nhưng hiện chi phí sản xuất, chi phí logistics lại đang tăng cao. Vậy làm sao để gia tăng giá trị xuất khẩu, để ngành thủy sản phát triển bền vững? Lời giải cho vấn đề này theo các doanh nghiệp trong ngành đó là phải tập trung vào khâu chế biến, bởi chế biến chính là khâu quan trọng, tạo ra giá trị gia tăng cho chuỗi sản xuất của ngành thủy sản.

Logistics là một nội hàm, thuật ngữ, không giải thích được đầy đủ ý nghĩa bằng tiếng Việt, nhưng đó là ngành kinh tế chuỗi giá trị của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Chính vì thế, ngày 22/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 221/QĐ-TTg (sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017) về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Quyết định này đề ra 61 nhiệm vụ nhằm phát triển bền vững ngành dịch vụ logistics với 6 mục tiêu cụ thể.

Theo đó, “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% – 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% – 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% – 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% – 20% GDP, xếp hạng theo Chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.

Giải pháp đột phá hàm nghĩa là phá vỡ bế tắc, phá bỏ những cản trở trong hoạt động kinh doanh để việc phát triển của doanh nghiệp có chất lượng và khối lượng công việc gia tăng cao hơn, mang lại lợi nhuận nhiều hơn, qua đó đóng góp tốt hơn cho đất nước.

Sau 2 năm Covid – 19, thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi địa chính trị bất ngờ, thêm những “trời giáng” vào chuỗi logistics toàn cầu. Tuy nhiên, các giá trị mới đang được thiết lập.

Mặc dù vậy, năm 2021, xuất nhập khẩu cả nước vẫn đạt con số kỷ lục với tổng kim ngạch đạt 668,55 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%; xuất siêu hơn 4 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đã lọt Top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

10 tháng đầu năm 2022, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,94 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1 thị trường xuất khẩu có kim ngạch đạt hơn 90 tỷ USD – đó là thị trường Hoa Kỳ. Hẳn nhiên, rất vui.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, kết quả tích cực nêu trên phải kể đến đóng góp của ngành dịch vụ logistics.

Vận hội và thách thức

Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics.

Tiến sỹ Lê Văn Hỷ – Tổng Biên tập tạp chí Vietnam Logistics Review cho rằng, dù còn những hạn chế về chính sách, thủ tục hành chính chưa được gỡ bỏ, doanh nghiệp Logistics trong nước chưa đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế thì nhiều cơ hội mới đang đến. “Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Logistics xanh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực sự đang là những cơ hội”, ông chia sẻ.

Theo ông, ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý, đối với các doanh nghiệp Logistics Việt Nam ngoài việc gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao; phải mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; phát triển các doanh nghiệp logistics 3PL và 4PL; phát triển doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng đường không và vận chuyển đường biển; đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong việc phát triển các trung tâm logistics.

Hiện nay, nước ta đang thiếu hụt các trung tâm logistics khu vực và quốc tế. Một số trung tâm lớn ở Hà Nội đang xây dựng và Hải Phòng đã hình thành dự án. “Cấp bách là phải xây dựng trung tâm logistics khu vực Đồng bằng sông Mê Kông để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản, hải sản đang chiếm tỷ trọng lớn trong hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trung tâm này phải có tính quốc tế để phục vụ trước mắt và lâu dài”, TS.Lê Văn Hỷ nói.

Về phát triển Logistics xanh, không chỉ vì các cam kết quốc tế của Việt Nam trong “kỷ nguyên” biến đổi khí hậu; mà còn là giải pháp giúp doanh nghiệp Logistics giảm chi phí; giảm rác thải công nghiệp; tránh lãng phí…tăng lợi nhuận ròng.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. Khi các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia dần được thực thi hiệu quả, thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, nhựa, hàng dệt may và thủy sản.

“Đây là cơ hội để phát triển các dịch vụ cảng và logistics phục vụ nhu cầu kết nối hàng hóa với các thị trường lớn trên thế giới”, ông Hỷ nhận định.

Để nắm bắt cơ hội phát triển, rõ ràng phải triển khai nhóm các giải pháp về phát triển hạ tầng giao thông, logistics đồng bộ, hiện đại như Chương trình hành của Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội các Vùng theo các Nghị quyết gần đây của Bộ Chính trị.

Theo Việt nam Hội Nhập

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích