Những chuyến tàu cuối năm chở niềm vui sum họp
Sân ga ngày 28 Tết Quý Mão, tấp nập và rộn ràng. Dòng người hối hả qua lại mang theo lỉnh kỉnh những hành lý, những vòng tay quyến luyến chạm nhau giữa ánh mắt khấp khởi đầy hào hứng của những người sẽ bước lên chuyến tàu sắp khởi hành.
Như bao người con xa quê khác, tôi bước vào “chuyến di dân” lớn nhất năm với mong đợi của người trở về giây phút được đoàn viên cùng gia đình. Sau một hồi “lao nhao” trên khoang tàu nhỏ, hành khách bắt đầu ổn định chỗ ngồi cũng là lúc đoàn tàu kéo còi tạm biệt sân ga. Dưới sân, đoàn người đưa tiễn chào nhau bằng cái vẫy tay, cái gật đầu hay đơn giản chỉ là họ đứng đó, lặng lẽ mỉm cười.
Sân ga chiều 28 Tết tấp nập và rộn ràng. |
Còn tàu vẫn thế, nhưng nội thất bên trong có những thay đổi mới mẻ, hiện đại hơn. Vẫn những thanh âm cọc cạch, chuyển động tròng trành và tiếng xình xịch của bánh sắt nghiến lên thiết lộ. Vẫn những cuộc gặp gỡ thoáng qua, tiếng hỏi han giữa những người xa lạ mà có khi chỉ có duyên quen nhau trong một quãng ngắn của cuộc hành trình.
Ngồi cạnh tôi là là bà Hạnh (62 tuổi, quê Phú Thọ). Bà lên ga tàu ở Hà Nội và điểm xuống là tỉnh Khánh Hòa. Suốt quãng đường, bà thì thầm nói đủ thứ chuyện. Những câu chuyện không đầu không cuối.
Năm nay, bà Hạnh vào Khánh Hòa ăn Tết với con gái cả. Do bận công việc, ảnh hưởng của Covid-19 nên mấy năm liền con gái bà không về ăn Tết. Bà Hạnh tâm sự: “Năm nay còn khỏe nên tôi quyết định đi vào ăn Tết cùng con. Từ lúc lên tàu, tôi hồi hộp lắm, đã 3 năm nay tôi chưa được gặp các con, các cháu của mình. Đây sẽ là cái Tết đáng nhớ lắm”.
Rất nhiều hành khách trên tay với những cành đào mang về quê đón Tết. |
Hành trang đi sum họp ngày Tết của bà Hạnh cũng vô cùng đặc biệt. Bà mang một cành đào nhỏ, một nắm lá dong vào để gói bánh chưng, rau, củ, quả hằng ngày tự tay trồng ngoài vườn.
“Gạo và một số thứ cần thiết tôi đã ký gửi vào trước. Nhiều người thấy tôi mang vào những đồ đạc lỉnh kỉnh, những thứ ở đâu cũng mua được thì buồn cười lắm. Nhưng tôi không để ý, tôi chỉ muốn để các con, các cháu của mình được hưởng một cái Tết trọn vẹn, đầm ấm và đơn giản là nhớ về hương vị Tết của quê hương”, bà Hạnh bày tỏ.
Tương tự, trên chuyến tàu vào phương Nam, bà Lê Thị Bé (70 tuổi, quê Hà Nam) cũng tất bật với những hành trang mang theo đón Tết. Bà Bé tâm sự, người ta thì đổ xô ra Bắc ăn Tết còn tôi lại vào Nam, đơn giản chỉ bởi các con, các cháu của bà ở hết trong đó.
“Các con không về được thì tôi vào. Khi nào còn khỏe thì tôi còn đi. Với tôi, Tết chỉ có khi cả gia đình được sum họp. Năm nay ài có chút việc nên tôi vào hơi muộn, chiều 28 Tết mới lên tàu thì đến sáng 30 Tết mới vào đến nơi, vẫn kịp chuẩn bị đón Giao thừa cùng các con”, bà Bé chia sẻ.
Được biết, bà Bé có ba người con thì đều lập nghiệp trong thành phố Hồ Chí Minh. Các con luôn mong đón bà vào cùng sinh sống nhưng vì nhớ quê, không nỡ xa ngôi nhà mình đã gắn bó nên còn lần nữa mãi. Mỗi năm, bà đều cố gắng đi vào hai lần để đoàn tụ cùng con.
Vào thành phố Hồ Chí Minh ăn Tết, bà Bé đã làm sẵn 2 con gà, bảo quản lạnh mang vào. Cùng đó là mật mía, là bánh chưng gói sẵn, là những thức quà quê không thể thiếu trong những ngày Tết. Mặc dù đi xa nhưng trong ánh mắt của bà luôn chứa chan sự yêu thương, mong chờ niềm vui sum họp.
Những món quà quê giản dị, nhưng chứa chan tình cảm gửi gắm trong chuyến tàu 28 Tết. |
Đi trên chuyến tàu cùng tôi còn rất nhiều người con xa quê trở về nhà đón Tết. Có một chị gái chừng 40 tuổi, quê ở Quảng Bình, ra Hà Nội làm việc đã 5 năm nay. Không được nghỉ sớm nên chiều 28 Tết chị mới bắt đầu trở về nhà. Chị mang theo niềm vui, niềm hân hoan khi sắp được đoàn tụ gia đình sau một năm vất vả, đầy biến động.
Chị tâm sự: “Năm nay công việc cũng hòm hòm, đỡ vất hơn, thưởng Tết cuối năm cũng được một khoản nên tôi mong đến Tết lắm. Từ đợt dịch bệnh xong cũng hay nhớ nhà nhiều hơn trước. Chỉ mong sớm làm xong việc để được về ăn Tết cùng gia đình. Cả đêm qua tôi không ngủ được, chỉ mong trời mau sáng, làm nốt công việc buổi sáng để chiều lên tàu về quê”.
Những chuyến tàu Tết luôn rất đặc biệt khi mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có chung một hành trình về với gia đình, về với bữa cơm đoàn viên. Trên sân ga, chỉ còn lại đoàn tàu với những con người luôn trở về nhà sau cùng, đón mùa xuân muộn nhất.
Nguồn: Báo lao động thủ đô