Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản tại Hà Nam

(Xây dựng) – Theo Thông báo số 161/TB-TTCP, Thanh tra Chính phủ thông báo Kết luận Thanh tra về chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại Hà Nam (giai đoạn 2012 – 2018).

Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản tại Hà Nam
Ảnh minh họa.

Ngày 12/12/2022, Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận Thanh tra số 2211/KL-TTCP về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012-2018. Sau đó, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 249/VPCP-VI gửi Thanh tra Chính phủ; Bộ Giao thông vận tải; UBND tỉnh Hà Nam về Kết luận Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Hà Nam.

Cụ thể, trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vi phạm, khuyết điểm về những công tác sau: Ban hành văn bản; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng; Thu hồi, giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án; Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại dự án khu đô thị, khu nhà ở; Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản…

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam, có 35 dự án đầu tư được địa phương thu hồi đất để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh với diện tích 97,1ha (cơ bản đã hoàn thành, đưa vào sử dụng) nhưng các dự án này không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Sau đó, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3187 chỉ đạo UBND huyện, thành phố chấn chỉnh, đảm bảo việc thu hồi đất đúng theo quy định.

Đến thời điểm thanh tra, có đến 20 dự án chậm tiến độ, trong đó 11 dự án chưa được giao đất, cho thuê do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và chưa hoàn thiện thủ tục đất đai, 8 dự án được giao đất nhưng UBND tỉnh chưa thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với 20 dự án hạ tầng kỹ thuật (HTKT) khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở hỗn hợp khi chưa phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và 5 năm. Có đến 4 dự án UBND tỉnh lựa chọn nhà đầu tư không qua đấu thầu. Không chỉ vậy, UBND tỉnh chấp thuận 12 dự án kho bãi, cảng ven sông Đáy nhưng có tới 11/12 dự án không nằm trong Quy hoạch cảng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Đặc biệt, UBND tỉnh cho phép 8 công ty khai thác tận thu khoáng sản (đá) trên địa bàn huyện Thanh Liêm nhưng không yêu cầu lập hồ sơ khai thác, trong đó có 6/8 công ty khai thác vị trí đất thuộc khu vực cấm hoạt động.

Qua kiểm tra, việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại HTKT khu đô thị, nhà ở còn thấp (67%), trong đó còn vướng mắc tại một số dự án, nguyên nhân là do các quyết định của UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuy mục tiêu dự án có nêu xây dựng khu đô thị có hệ thống công trình đồng bộ nhưng lại chỉ phê duyệt đầu tư hạ tầng kỹ thuật, không có hạng mục hạ tầng xã hội, khu dân cư hay công trình dịch vụ khác, đồng thời cho phép nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật và được kinh doanh trên đất thương phẩm. Dẫn đến các chủ đầu tư xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, căn cứ quy hoạch chi tiết 1/500 đã phân lô, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng. Như vậy, việc chưa cấp GCNQSDĐ đối với các trường hợp này là do chủ đầu tư không thực hiện đúng mục tiêu dự án, nên không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, phát sinh khiếu kiện đông người hay tiềm ẩn nguy cơ khiếu nại tại: Dự án HTKT khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn II; Dự án HTKT KĐT Liêm Chính; Dự án HTKT KĐT sinh thái dịch vụ Lam Hạ…

Một loạt các dự án khủng như KĐT Đồng Văn Xanh, KĐT mới River Silk City, TTTM tổng hợp tại phường Liêm Chính (thành phố Phủ Lý), Khu dịch vụ thương mại KCN Đồng Văn I, Tổ hợp khách sạn, TTTM và căn hộ để bán – cho thuê Mường Thanh, dự án san nền, hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Kiện Khê I… đều vướng nhiều sai phạm về đất đai.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, một số dự án được phê duyệt chưa đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa phù hợp quy hoạch ngành, chất lượng khảo sát, lập dự án còn thấp, nhiều dự án chậm tiến độ, tăng chi phí đầu tư… như dự án trạm bơm đầu mối khu vực thành phố Phủ Lý, tuyến đường nối ĐT 499 đến ĐT 492 phục vụ cứu nạn đê sông Hồng, đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã huyện Thanh Liêm, đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai kinh tế T1 giai đoạn 1…

Việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu tại một số dự án kiểm tra có 23 gói thầu thực hiện đấu thầu hạn chế, 21 gói chỉ định thầu, không đúng theo quy định. Cũng như công tác lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu chưa đúng quy định làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động đấu thầu.

Trước thực trạng trên, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Nhanh chóng có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, xử lý những tồn tại, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất, đầu tư xây dựng cơ bản. Tiến hành rà soát, xử lý theo quy định đối với các dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, các dự án đầu tư xây dựng HTKT khu đô thị, khu nhà ở không đúng quy định, các dự án chưa được cho thuê đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, các dự án vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng…

Ngoài ra, rà soát trình tự thủ tục đối với các dự án đầu tư xây dựng vi phạm, có biện pháp xử lý khắc phục hoặc xin ý kiến Bộ ngành cơ quan có liên quan để được hướng dẫn theo quy định. Tiến hành rà soát công tác nghiệm thu, thanh toán, thực hiện kiểm toán để quyết toán theo quy định đối với các dự án đầu tư, khẩn trương tổ chức bàn giao đưa vào sử dụng, thực hiện đầy đủ kết luận thanh tra, kiểm toán, xử lý với những vi phạm về kinh tế, không để thất thoát ngân sách Nhà nước.

Cần có biện pháp chấn chỉnh, thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng, nhất là công tác quy hoạch, thiết kế, đấu thầu, quản lý chi phí đầu tư, xử lý tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định, hạn chế phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới…

Đáng chú ý, Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác thanh kiểm tra đối với quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, sớm phát hiện và chấn chỉnh, xử lý đối với những tồn tại, vi phạm.

Xử lý về trách nhiệm, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân thuộc UBND tỉnh qua các thời kỳ, chỉ đạo sở ngành đơn vị, địa phương liên quan kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân các thời kỳ có liên quan đến tồn tại, vi phạm quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng tại kết luận thanh tra. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý tập thể, đơn vị, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm, đảm bảo đúng quy định pháp luật, trong quá trình thực hiện, nếu có phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xử lý.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích