Hướng đến kỷ niệm ngày Đo lường Việt Nam

Ngày 20/01/1950, cách đây 73 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 08/SL quy định về đo lường hợp Pháp của Việt Nam. Sắc lệnh 8/SL đã xác định và giải quyết đúng đắn nhiều nội dung của quản lý nhà nước về đo lường ở nước ta như: đơn vị đo lường hợp pháp, quản lý việc sản xuất và sử dụng dụng cụ đo, xử phạt các vi phạm về đo lường. Sắc lệnh 8/SL chính là nền tảng, là điểm xuất phát của sự ra đời và trưởng thành của ngành đo lường nước ta.

Theo con đường Bác Hồ đã vạch ra, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo quản lý và phát triển lĩnh vực khoa học – kỹ thuật chuyên ngành rất quan trọng này, thể hiện ở những văn bản luật pháp về đo lường mà Nhà nước ta ban hành trong suốt mấy thập kỷ qua: Ngày 26/12/1964 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định 186/CP ban hành Bảng đơn vị đo lường hợp pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tiếp nối từ Hệ mét sang Hệ đơn vị quốc tế (SI). Đây là sự kế thừa và nâng lên một tầm cao mới Sắc lệnh 8/SL; Ngày 24 và 25/9/1974 Chính phủ ban hành Nghị định 216 và 217/CP về Điều lệ quản lý đo lường chung và Điều lệ quản lý đo lường trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. Từ năm 1975 đến năm 2000, toàn bộ hoạt động đo lường ở nước ta được quản lý trên cơ sở hai Điều lệ này.

 Ảnh minh họa.

Khi nước ta chuyển sang thời kỳ xây dựng và phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng, ngày 06/7/1990 Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh đo lường và ngày16/07/1990 Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký lệnh công bố Pháp lệnh này. Pháp lệnh đo lường 1990 đã thể hiện sự đổi mới công tác quản lý nhà nước về đo lường khi chuyển từ nền kinh tế tập trung – bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Để đáp ứng những yêu cầu mới về đo lường, ngày 06/10/1999 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh đo lường (sửa đổi) và ngày 18/10/1999, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký công bố Pháp lệnh này. Đây chính là cơ sở để đo lường nước ta phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Một dấu mốc lịch sử đối với đo lường nước ta là ngày 11/11/2011 Quốc hội khoá 13 thông qua Luật Đo lường. Đây là văn bản pháp luật cao nhất của Nhà nước ta về đo lường. Luật đã thể hiện những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ đo lường phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế hiện nay. Luật Đo lường có hiệu lực trên phạm vi cả nước từ ngày 01/07/2012.

Để ghi nhận những đóng góp lớn lao của ngành đo lường vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời lấy ý nghĩa lịch sử của ngày 20/01/1950 và nguyện vọng của những người làm công tác đo lường trong cả nước, ngày 11/10/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/2001/QĐ-TTg lấy ngày 20/01 hàng năm là “Ngày Đo lường Việt Nam”.

Đo lường là một lĩnh vực khoa học kỹ thuật chính xác, là hoạt động không thể thiếu đối với đời sống kinh tế – xã hội, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Đo lường thống nhất và chính xác sẽ góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

An Hạ

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích