Vì sao đập nước “thách thức quy luật vật lý” lại ví như kỳ quan xây dựng?
Nằm trong danh sách những công trình xây dựng vĩ đại nhất nước Mỹ, đập thủy điện Hoover Dam mỗi năm thu hút hàng chục triệu khách tham quan.
Với tên gọi ban đầu là Boulder, đập thủy điện Hoover sở hữu cấu trúc mang tính biểu tượng, được ví như kỳ quan kỹ thuật, nhưng hiện đứng trước thử thách của thời gian trong gần một thế kỷ.
Vì sao đập nước cao hơn 220m lại được ví như kỳ quan xây dựng?
Sau đời tổng thống thứ 31 của Mỹ, đập Hoover đổi thành tên gọi như hiện tại, nhưng vai trò thiết yếu của con đập trong việc cung cấp năng lượng cho các khu vực xung quanh vẫn giữ nguyên suốt hơn 8 thập kỷ.
Vẻ đẹp hùng vĩ của đập Hoover nhìn từ trên cao (Ảnh cắt từ clip). |
Nằm ở ranh giới giữa Nevada và Arizona, “kỳ quan xây dựng” này cung cấp điện cho các bang xung quanh, giúp kiểm soát lũ lụt, thậm chí đóng vai trò như một cây cầu bắc qua sông Colorado. Đập Hoover tạo ra nguồn năng lượng đủ dùng cho 1,3 triệu người mỗi năm, đóng vai trò không thể thiếu trong sự phát triển của một thành phố sa mạc nổi tiếng – Las Vegas.
Với chiều cao 221m, đây là một trong những con đập cao nhất nước Mỹ. Công trình mất 5 năm mới hoàn thành, liên quan tới hàng chục nghìn công nhân. Tổng cộng, khoảng 21.000 công nhân đã tham gia xây dựng.
Đập Hoover được ví như kỳ quan kỹ thuật (Ảnh: History). |
Thời điểm đập thủy điện Hoover được xây dựng, đây không chỉ là dự án lớn mà còn được coi là “cực kỳ rủi ro” của chính phủ Mỹ khi thế giới trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong vài thế kỷ. Nhưng ngay cả cuộc đại suy thoái cũng không thể ngăn cản quá trình xây dựng đập Hoover diễn ra vào năm 1931.
Một trong những kỳ tích kỹ thuật ấn tượng nhất phải kể tới quá trình xây dựng nền móng của con đập. Con đập nằm trên đá cứng, nhưng lòng sông Colorado lại tạo thành từ cát và sỏi với kết cấu rời rạc. Để đảm bảo tính ổn định, công nhân phải đào sâu xuống tiếp cận lớp đá rắn, sau đó mới xây móng trên đó.
Ngoài việc phát điện, đập Hoover còn cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho nông dân ở khu vực tây nam nước Mỹ. Công trình còn được trang bị một số công nghệ tiên tiến giúp nó hoạt động hiệu quả.
Cảnh quan xung quanh con đập nổi tiếng (Ảnh: Expedia). |
Nếu không quan tâm tới kỹ thuật, du khách tới đây thường bị choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên và kiến trúc ấn tượng. Các kỹ sư thiết kế cấu trúc đập vòm với độ dốc nghiêng rất hấp dẫn về mặt thị giác.
Bản thân nó được ví như tác phẩm nghệ thuật của vùng tây nam. Giữa vùng núi non trùng điệp, đập Hoover trở thành công trình nổi bật, thể hiện sự tương phản hoàn hảo của con người với thiên nhiên.
Nước “bay lên trời” khi đổ từ trên đỉnh đập Hoover xuống dưới
Bên cạnh vẻ đẹp kỹ thuật và kiến trúc, điều thu hút lượng lớn khách du lịch muốn tới đây để chứng kiến hiện tượng lạ đi ngược lại quy luật vật lý – nước chảy ngược lên trên.
Du khách chỉ cần lên đỉnh đập, cầm chai nước và đổ dốc xuống. Thay vì chảy xuôi, nước sẽ bay ngược lên tung tóe. Hiện tượng này xảy ra do những luồng gió cực mạnh hình thành trong thiết kế đập hình vòm theo hướng đi lên.
Nước “bay lên trời” khi đổ từ trên đỉnh đập xuống dưới (Ảnh cắt từ clip). |
Du khách thường tới đập Hoover theo đường bộ. Trên đường tới Las Vegas, rẽ phải vào đường Lake Mead Drive rồi tới thành phố Boulder, tiếp tục theo đường 93 South khoảng vài dặm là tới những hẻm núi quanh co.
Từ trên cao phóng tầm nhìn ra xa là hồ Mead nước xanh rì và đập Hoover hùng vĩ nằm chắn ngang. Muốn chụp những khoảnh khắc ấn tượng nhất của con đập, du khách thường dừng ở khu vực nằm tại lưng chừng dốc núi.
Không chỉ là đập thủy điện, ước tính mỗi năm đập Hoover thu hút hàng chục triệu du khách từ khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng, khám phá.
Nguồn: Báo xây dựng