Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai

Theo đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Công trình thủy lợi, Phòng chống thiên tai – Phần I. Công trình thủy lợi – Các quy định chủ yếu về thiết kế, thay thế cho QCVN 04 – 05:2012/BNNPTNT: Công trình thủy lợi – Các quy định chủ yếu về thiết kế.

Quy chuẩn này quy định các yêu cầu phải thực hiện khi lập, thẩm tra, thẩm định, xét duyệt các dự án liên quan đến hoạt động xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện trong các giai đoạn đầu tư gồm: quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát, thiết kế xây dựng công trình. Phạm vi điều chỉnh bao gồm xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp hoặc mở rộng công trình, không phân biệt nguồn vốn đầu tư.

Thiết kế công trình đê điều, công trình giao thông thủy (trừ công trình âu thuyền trong đầu mối công trình thủy lợi), công trình biển, hệ thống cấp, thoát nước đô thị không thuộc phạm vi áp dụng của quy chuẩn này.

 Ảnh minh họa.

Khi thiết kế xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện ngoài yêu cầu tuân thủ quy chuẩn này còn phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khác, các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như các Luật, Điều ước quốc tế và các thỏa thuận mà nhà nước Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết có liên quan đến đối tượng công trình đang xem xét.

Về quy định kỹ thuật, cấp công trình là căn cứ để xác định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ theo các mức khác nhau phù hợp với quy mô và tầm quan trọng của công trình. Cấp thiết kế công trình là cấp công trình. Công trình thủy lợi được phân thành 5 cấp (cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III, cấp IV) tùy thuộc vào quy mô công trình hoặc tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng của nó đến phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng v.v…. Công trình ở các cấp khác nhau sẽ có yêu cầu kỹ thuật khác nhau. Công trình cấp đặc biệt có yêu cầu kỹ thuật cao nhất và giảm dần ở các cấp thấp hơn.

Quy chuẩn kỹ thuật này bắt buộc áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện trên lãnh thổ Việt Nam. Đối với các công trình thủy lợi, thủy điện đã thực hiện xây dựng trước thời điểm Quy chuẩn kỹ thuật này có hiệu lực sẽ phải áp dụng Quy chuẩn này khi tiến hành cải tạo, nâng cấp hoặc tháo dỡ.

Các tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ các quy định của Quy chuẩn này, bao gồm lập, thẩm định, kiểm tra, giám sát các giai đoạn lập Quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư công trình thủy lợi, thủy điện.

Khi sử dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật khác vào các công trình thủy lợi, thủy điện phải phù hợp với các yêu cầu trong các điều khoản của Quy chuẩn này.

An Hạ

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích