Tập trung cho quy hoạch, quản lý phát triển đô thị trong năm 2023
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời phỏng vấn TTXVN về các khâu đột phá của ngành trong năm 2023, đặc biệt là quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến 2030.
(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang trong quá trình phục hồi, còn nhiều khó khăn, năm 2022 ngành xây dựng vẫn nỗ lực đạt được mức tăng trưởng khá, thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra.
Năm 2023, tập trung cho quy hoạch, quản lý phát triển đô thị tiếp tục được Bộ Xây dựng xác định là một trong 3 khâu đột phá của ngành; trong đó, nổi bật là việc triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về những hoạt động thiết thực trong thực thi nhiệm vụ và triển khai chính sách.
– Năm 2022 là một năm có nhiều biến động với những khó khăn phát sinh nhưng ngành xây dựng đã đạt mức tăng trưởng tốt so với mặt bằng chung. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những kết quả ngành xây dựng đạt được trong năm qua?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Năm 2022 là năm phục hồi, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2026.
Tuy nhiên, tình hình nền kinh tế nước ta đã phải đối mặt, ứng phó với những vấn đề phức tạp phát sinh, chưa có tiền lệ; thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen; thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình kinh tế-chính trị thế giới tiếp tục bất ổn, khó đoán định.
Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trung ương và địa phương, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp trong toàn ngành, năm 2022 ngành xây dựng đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt và vượt tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu chính.
Năm 2022 tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng đạt 8,17% vượt so với kế hoạch đặt ra là 5-5,6%. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 94,2%, tăng 2,2% so với năm trước. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25,5 m2 sàn/người, tăng 0,5 m2 sàn/người so với năm 2021.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được Chính phủ giao được tăng cường. Cùng đó, xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng tiếp tục có những kết quả tích cực, hoàn thành với khối lượng lớn; nội dung, chất lượng thể chế, pháp luật tiếp tục đổi mới, tạo lập môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương.
Các hoạt động quy hoạch-kiến trúc và quản lý phát triển đô thị tiếp tục được quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Quản lý đầu tư xây dựng cũng có những chuyển biến tích cực; chất lượng công trình cơ bản được kiểm soát.
Công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm tra, thẩm định thiết kế, nghiệm thu công trình và quản lý năng lực các chủ thể hoạt động xây dựng được thực hiện nghiêm túc, góp phần chống thất thoát, lãng phí.
Mặc dù thị trường vật liệu xây dựng có biến động mạnh, tăng giá cao vào nửa đầu năm nhưng bằng nhiều giải pháp của Bộ Xây dựng, các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và các địa phương, thị trường đã sớm ổn định trở lại từ đầu quý 3/2022 đến nay.
Thị trường bất động sản năm 2022 cũng có sự tăng trưởng vào các tháng đầu năm nhưng có xu hướng giảm dần và trầm lắng vào nửa cuối năm do gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thiếu nguồn cung, thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình; khó khăn trong huy động và tiếp cận các nguồn vốn, trong khi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản bắt đầu bộc lộ các tồn tại, rủi ro.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. (Nguồn: TTXVN) |
Bộ Xây dựng và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hiện đang đề xuất nhiều nhóm giải pháp để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh trong năm 2023.
Nhìn chung, trong năm 2022, ngành xây dựng đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước được giao, kịp thời và phản ứng có hiệu quả đối với một số diễn biến bất thường của thị trường, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
– Ngày 24/1/2022, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị và Chính phủ đã ngay lập tức triển khai Chương trình hành động. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Xây dựng đã tham mưu và tổ chức thực hiện thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Ngành xây dựng rất phấn khởi và vui mừng đón nhận Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị có nội dung chuyên đề về lĩnh vực đô thị, vừa khẳng định vị thế, vai trò đô thị Việt Nam trong tiến trình phát triển của đất nước, vừa là định hướng chiến lược với các yêu cầu rất cụ thể cần được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Ngay sau khi Nghị quyết số 06-NQ/TW được ban hành, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã làm việc, thống nhất với các Bộ ngành, địa phương để xây dựng và trình Chính phủ Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW.
Ngày 11/11/2022, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW tại Nghị quyết số 148/NQ-CP; trong đó, Chính phủ đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu cụ thể và 33 nhiệm vụ cụ thể theo 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu; xác định cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời hạn hoàn thành, các nội dung cần đạt được để Chính phủ, các bộ ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 06-NQ/TW.
Để Nghị quyết số 06-NQ/TW được phổ biến rộng rãi, sâu rộng tới các đô thị trong cả nước, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết, Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam cùng 3 Hội thảo chuyên đề và Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022.
Hội nghị đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự, chủ trì và phát biểu chỉ đạo. Với những chỉ đạo xuyên suốt, toàn diện, trách nhiệm, tâm huyết của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề đô thị, Bộ Xây dựng đã tiếp thu và đồng thời chủ động phân giao nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện Chương trình hành động ngay trong giai đoạn tới đây.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chính quyền ở đô thị trên toàn quốc để tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhóm nhiệm vụ trọng tâm được giao trong Nghị quyết.
– Kinh tế thế giới được dự báo có nhiều biến động khó lường, tác động đến nền kinh tế đất nước; trong đó có hoạt động của doanh nghiệp xây dựng, thị trường bất động sản. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Xây dựng có những định hướng và giải pháp gì cho năm 2023 và những năm tiếp theo?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Năm 2023 và các năm tới, ngành xây dựng sẽ tiếp tục tập trung cho 3 đột phá trọng tâm đã xác định cho nhiệm kỳ 2021-2026 của ngành. Đó là hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp, phân cấp mạnh cho địa phương để tháo gỡ các điểm nghẽn, gây cản trở sự phát triển của ngành, hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Nâng cao chất lượng lập quy hoạch đảm bảo tư duy, tầm nhìn, dự báo và tính khả thi; kiểm soát chặt chẽ khâu thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh địa phương về quy hoạch.
Cùng đó, các quy định pháp luật, công cụ quản lý tiếp tục được hoàn thiện để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị đồng bộ, gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh khu vực đô thị, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ đất đai, từ phát triển không gian đô thị.
– Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn: Báo xây dựng