Trung Quốc: Tuyển dụng tài xế, phương tiện ‘chui’, loạt công ty gọi xe công nghệ bị ‘nắn gân’
Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cùng một số cơ quan quản lý khác, trong đó có Cơ quan quản lý không gian mạng và Cơ quan giám sát thị trường nhà nước đã cùng truy vấn 11 công ty dịch vụ gọi xe đang hoạt động tại nước này. Danh sách 11 công ty bị truy vấn có cả 3 tên tuổi lớn là Didi, T3 và Meituan.
Các cơ quan chức năng Trung Quốc cáo buộc 11 công ty dịch vụ gọi xe trên đang tuyển dụng tài xế và phương tiện chưa được phê duyệt. “Các nền tảng này phải tự xem xét vấn đề của mình, chấn chỉnh hành vi bất hợp pháp, bảo đảm trật tự thị trường cạnh tranh công bằng và xây dựng môi trường phù hợp để phát triển lành mạnh ngành dịch vụ gọi xe”, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc yêu cầu.
Theo Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, những công ty dịch vụ gọi xe được cơ quan chức năng truy vấn khẳng định họ sẽ tìm cách khắc phục mọi vấn đề và ngừng chấp nhận đăng ký của các tài xế chưa hợp lệ.
Công ty Didi chiếm khoảng 90% thị phần gọi xe công nghệ của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Được biết, riêng ứng dụng gọi xe Didi trước đó đã bị “nắn gân” bằng một cuộc điều tra an ninh mạng diễn ra vài ngày sau khi “siêu ứng dụng” này niêm yết thành công tại Mỹ và huy động được 4,4 tỷ USD vào cuối tháng 6/2021.
Nền tảng gọi xe Didi chiếm khoảng 90% thị phần ở Trung Quốc, đã buộc phải ngừng đăng ký người dùng mới vào tháng 7/2021 theo yêu cầu của Bắc Kinh. Nhiều đối thủ của Didi bị cơ quan chức năng triệu tập lần này cũng đã cố gắng lôi kéo người dùng bằng các chương trình giảm giá hấp dẫn.
Không chỉ với Didi, các cơ quan chức năng Trung Quốc cũng yêu cầu tất cả các nền tảng dịch vụ gọi xe phải đảm bảo rằng họ có các phê duyệt cần thiết đối với ô tô được sử dụng và người điều khiển phương tiện. Ngoài ra, các nền tảng gọi xe này không được “câu kéo” tài xế thông qua các chương trình khuyến mãi giả mạo hoặc đẩy bất kỳ rủi ro kinh doanh nào cho lái xe. Giới chức Trung Quốc cũng yêu cầu, các lái xe cần có đủ thời gian nghỉ ngơi và các công ty dịch vụ gọi xe cần giảm phí hoa hồng mà họ khấu trừ từ mỗi chuyến đi.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc liên tục siết chặt giám sát các công ty công nghệ lớn nhất nước trong nhiều lĩnh vực từ thương mại điện tử đến giải trí, tiến hành hàng loạt cuộc điều tra chống độc quyền và ban hành nhiều quy định nghiêm ngặt.
Bảo Linh (Tổng hợp)