Những mô hình cộng đồng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa
Những mô hình cộng đồng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa
Theo dõi MTĐT trên
Những năm qua, nhờ có sự vào cuộc của các tổ chức chính trị – xã hội trong tỉnh Quảng Ninh đã giúp khơi dậy tinh thần trách nhiệm của đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân cùng tham gia giải quyết những vấn đề về môi trường
Di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là lợi thế để Quảng Ninh phát triển du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, mặt trái của tăng trưởng kinh tế là áp lực về bảo vệ môi trường ngày càng lớn, bao gồm yêu cầu về giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn hệ sinh thái ven biển.
Để góp phần vào mục tiêu này, từ năm 2020 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực triển khai dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long” với vai trò là đơn vị điều hành. Trong đó tập trung vào việc khuyến khích phát triển mạng lưới thu mua ve chai trên địa bàn TP Hạ Long, củng cố một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa.
Từ dự án, tại 5 phường của TP Hạ Long là Hồng Hà, Hồng Hải, Hà Tu, Hà Phong, Tuần Châu đã hình thành được 4 chi hội, 2 tổ nhóm thu mua ve chai. Trong hơn 3 năm qua, đội ngũ này đã được trang bị những kỹ năng phân loại, thu gom rác thải nhựa, cung cấp đầy đủ dụng cụ bảo hộ để giữ gìn an toàn vệ sinh lao động.
Mỗi ngày, các thành viên chi hội, tổ tỏa ra khắp các địa bàn dân cư, tiến hành thu mua, thu gom rác thải nhựa, vận chuyển về bãi tập kết, tiến hành phân loại lần cuối trước khi đưa đến các nhà máy xử lý theo quy định.
Đồng thời họ cũng là những tuyên truyền viên, hướng dẫn, nhắc nhở các hộ dân thực hiện tốt việc phân loại rác hữu cơ và vô cơ ngay tại nhà, tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng các loại rác thải vô cơ, hữu cơ phát sinh từ sinh hoạt hàng ngày, thay vì đổ chung lẫn lộn vào điểm tập kết. Khi việc xả thải được thực hiện đúng cách, giảm khối lượng phải thu gom cũng giúp tiết giảm đáng kể chi phí xử lý, chôn lấp rác thải khi đã đưa về các khu xử lý tập trung gây quá tải.
Hoạt động của dự án mà Hội Nông dân điều hành cũng đồng thời chú trọng cả những giải pháp để tái chế nhựa, gia tăng giá trị cho những sản phẩm này sau khi đã qua sử dụng. Tức là bên cạnh việc đơn giản nhất là bán phế liệu cho các nhà máy xử lý tập trung, thì nhựa còn được tái chế thành những mặt hàng sản phẩm mỹ nghệ, thủ công… được thị trường đón nhận, phù hợp với xu hướng sống xanh của một bộ phận không nhỏ người dân.
Đó là những vật liệu tưởng chừng bỏ đi đã có thêm một vòng đời với giá trị sử dụng mới nhờ giải pháp tái chế đầy sáng tạo. Những người thợ với đôi bàn tay khéo léo đã làm ra các mặt hàng như túi xách đi chợ, balo vải, túi đựng tài liệu, ví đựng bút… từ nguyên liệu là vải thừa của các cửa hàng may và những tấm vải bạt bị bỏ lại sau các chương trình, sự kiện trên địa bàn TP Hạ Long. Hay như tại chợ Hạ Long I, gian hàng bán các sản phẩm tái chế cũng đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với nhiều khách hàng tại địa phương…
Nói tới giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường còn phải nói tới mô hình “Biến rác thành tiền” được Hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện ở 13 địa phương, đơn vị với 100% cơ sở hội và chi hội. Theo đó, ngay từ các chi, tổ hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để thay đổi nhận thức của cán bộ, hội viên, nhân dân trong việc tự giác phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình, giúp giảm thiểu rác thải đưa ra môi trường.
Các đồ dùng nhựa được chị em hội viên giữ lại để mang bán, hoặc khéo léo tái chế thành giỏ hoa, làn nhựa, túi xách… để sử dụng trong sinh hoạt gia đình. Một số loại rác thải nhựa không có khả năng tái chế như vỏ bim bim, áo mưa rách, ống hút, túi nilon… còn được rửa sạch, phơi khô, nhồi vào chai nhựa. Vỏ chai được nhồi chặt bằng rác thải trở nên cứng và chắc chắn, dùng thay gạch để xây bồn hoa, ghế đá, tường rào…
Với tinh thần xung kích vì cộng đồng, các hoạt động, phong trào của Đoàn Thanh niên tỉnh cũng chú trọng giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho đoàn viên, thanh thiếu nhi. Với phương châm “mỗi cơ sở Đoàn một hoạt động thiết thực tham gia bảo vệ môi trường”, các cơ sở Đoàn đã triển khai nhiều phần việc, như: Xây dựng cơ quan, đơn vị sáng – xanh – sạch – đẹp; vận động ĐVTN hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt; thành lập các đội thanh niên xung kích tình nguyện sẵn sàng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường…
Nội dung giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường được lồng ghép với các hoạt động như: Tết trồng cây, Ngày nước thế giới, Ngày môi trường thế giới, Chiến dịch hãy làm sạch biển, Chiến dịch tình nguyện hè, Ngày thứ 7 tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh…
Đặc biệt, chỉ trong năm 2022, Tỉnh Đoàn đã hỗ trợ 5 dự án, mô hình khởi nghiệp của thanh niên trong bảo vệ môi trường, là: Dự án sợi tự nhiên được tách từ lá cây lưỡi hổ làm nguyên liệu cho ngành may mặc và thủ công mỹ nghệ của học sinh trường THPT Bạch Đằng (TX Quảng Yên); Dự án sử dụng vỏ mì tôm làm các sản phẩm gia dụng, đồ trang trí của CLB Tái chế xanh (Trường Đại học Hạ Long); máy thu gom làm sạch rác ngoài biển của CLB Khởi nghiệp sáng tạo (Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh); hỗ trợ HTX Green Life Hạ Long (Hội LHPN TP Hạ Long) trong việc tái chế rác thải nhựa; tour du lịch phục hồi và bảo tồn rừng ngập mặn xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên)…
Những mô hình hiệu quả huy động sự vào cuộc của cộng đồng tham gia giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường đang được triển khai, từng bước nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Kết quả này là cơ sở quan trọng để Quảng Ninh cụ thể hóa Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị