Ông Lê Hoàng Châu tiếp tục tái Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM
Ông Lê Hoàng Châu tiếp tục tái Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM
Theo dõi MTĐT trên
Ngày 16/12, Đại hội Hiệp hội Bất động sản TPHCM lần thứ IV nhiệm kỳ 2022-2027 đã bầu ra 29 thành viên Ban Chấp hành. Ông Lê Hoàng Châu tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ IV.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, 6 năm qua, kể từ năm 2017 đến nay, là giai đoạn đầy khó khăn đối với thị trường bất động sản (BĐS), các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS, các nhà đầu tư BĐS, tác động dây chuyền đến hàng trăm ngành nghề, trong đó có các nhà thầu xây dựng, các đơn vị tư vấn xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất, các nhà môi giới, các TCTD và cả thị trường chứng khoán.
Ba năm trở lại đây, nền kinh tế và thị trường BĐS còn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và các xung đột địa chính trị dẫn đến nhiều quốc gia có lạm phát cao, nguy cơ suy thoái kinh tế và làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhìn tổng quát, thị trường BĐS đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền, thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa hợp lý; thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân; có quá nhiều nhà ở cao cấp; giá nhà ở tăng liên tục, vượt khả năng của người dân. Ngoài ra, vướng mắc pháp lý của thị trường BĐS hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án BĐS, nhà ở mà nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường BĐS sẽ bị trượt vào suy thoái, khủng hoảng, có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng của nền kinh tế.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, do thị trường BĐS đang rất khó khăn nên các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS đã phải có những giải pháp cấp thời để tự cứu mình và chờ cơ hội đầu tư kinh doanh mới, thậm chí chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ như thu hẹp quy mô, đình hoãn các dự án, dừng triển khai dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, mua lại trái phiếu trước thời hạn hoặc phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất cao; cắt giảm nhân sự, giảm lương, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều gia đình khi Tết Nguyên đán đã cận kề…
Từ năm 2017 đến nay, Hiệp hội đã có 380 văn bản kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền để xem xét tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, doanh nghiệp và người mua nhà và đã được các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương xem xét. Trung ương cũng đã có những văn bản xử lý chấp thuận.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân cho biết, lãnh đạo Thành phố đánh giá cao vai trò, đóng góp của Hiệp hội BĐS Thành phố, các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS vào sự phát triển của thị trường BĐS Thành phố nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố nói chung. Hiệp hội cũng đã có nhiều đóng góp tích cực cho Thành phố và Trung ương thông qua nghiên cứu, chính sách pháp luật và thực tiễn hoạt động của ngành BĐS để có nhiều góp ý, đề xuất, kiến nghị, báo cáo thiết thực.
Theo rà soát, hiện các dự án đáng vướng trên địa bàn Thành phố hiện nay có thể chia thành 3 nhóm: Nhóm không thể thực hiện được, Nhóm giải quyết được và Nhóm hồ sơ cần báo cáo cấp trên.
Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS, Thành phố đề nghị Hiệp hội BĐS khi kiến nghị cần xác định được thẩm quyền giải quyết, trách nhiệm cụ thể của các sở, ngành, đơn vị có liên quan trong việc đánh giá hồ sơ; tổng hợp, phân loại vướng mắc; kiến nghị, đề xuất cụ thể về phương hướng giải quyết phù hợp quy định pháp luật đối với từng vướng mắc.
Thời gian tới, UBND Thành phố đề nghị Hiệp hội BĐS Thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện cơ chế phối hợp nhà đầu tư phát triển dự án, nhà thầu thi công, nhà cung ứng vật tư trang thiết bị, ngân hàng để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, cần nghiên cứu tái cơ cấu sản phẩm BĐS theo nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường sau đại dịch. Đồng thời, giảm giá bán nhà, cho thuê BĐS, giãn tiến độ nộp tiền của khách hàng, giảm chi tiêu lợi nhuận để thu hồi vốn đối với các dự án đang triển khai.
Tại Đại hội, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) khẳng định những thông tin tư vấn và phản biện của Hiệp hội là cơ sở tham khảo quan trọng để Bộ Xây dựng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS.
Thời gian tới, ông Hải đề nghị Hiệp hội cần xây dựng chương trình hoạt động theo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và chiến lược nhà ở quốc gia, chương trình hành động và các chỉ đạo của Bộ Xây dựng.
Hiệp hội cũng nên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia trong lĩnh vực luật, kinh tế, tài chính, đầu tư BĐS và các cơ quan quản lý để góp ý về giải pháp phát triển đô thị gắn với giải pháp phát triển thị trường BĐS, nhất là các đô thị vệ tinh ở một số đô thị lớn, từng bước nâng cao phát triển đô thị cả về kinh tế xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị