Khánh Hòa chú trọng phát triển bền vững kinh tế biển

(TN&MT) – Trong những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển (KTB) của Đảng và Nhà nước, cùng với việc đẩy mạnh quá trình đổi mới và mở cửa, các lĩnh vực KTB được Khánh Hòa tăng cường và đạt được những kết quả đáng tự hào.

Ngoài những ngành nghề truyền thống, ở Khánh Hòa đã xuất hiện nhiều ngành KTB gắn với công nghệ hiện đại như trung chuyển dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, đánh bắt xa bờ, du lịch biển, khoa học môi trường, khí tượng thủy văn và các dịch vụ chiến lược biển… Góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh, nâng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 22,08%.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Tuân (ảnh) – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

dx.png
ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

PV: Xin ông cho biết, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tạo ra những cơ hội, thuận lợi gì cho phát triển kinh tế biển tỉnh Khánh Hòa?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính Trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/2/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW đã cho phép tỉnh Khánh Hòa được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển, trong đó có cơ chế khuyến khích và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực du lịch biển đảo, dịch vụ vận tải biển, đô thị ven biển, công nghiệp. Việc này đã tạo những cơ hội, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển tỉnh Khánh Hòa như:

Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng – an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ; đầu tư phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ số trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về biển của ngư dân trong quá trình khai thác thủy sản trên các vùng biển.

Nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên biển và kiểm soát tài nguyên biển; phát triển toàn diện kinh tế biển, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm theo hướng: Dịch vụ, du lịch biển chất lượng cao; Công nghiệp, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, cảng biển, vận tải biển – hàng không; Kinh tế biển – đảo; Hình thành Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương.

Xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Khu kinh tế Vân Phong để xây dựng thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển thành vùng kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Phát triển Khu kinh tế Vân Phong theo hướng: Khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại, cảng nước sâu gắn với khu phi thuế quan, công nghiệp công nghệ cao… cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.

z.png
Khánh Hòa chú trọng phát triển bền vững kinh tế biển

PV: Với định hướng lấy kinh tế biển làm trọng tâm, trong năm qua, kinh tế biển đã đóng góp như thế nào vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Nhằm phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, về tài nguyên biển đảo, tài nguyên văn hóa, con người… cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế biển nhằm đạt được mục tiêu mà Kết luận số 53-KL/TW, ngày 24/12/2012 của Bộ chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng việc ban hành, phê duyệt các chương trình, quy hoạch, kế hoạch của các ngành, các địa phương trong tỉnh nhằm mở hướng đi và lộ trình thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình điều hành phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh và tạo điều kiện cho các ngành, địa phương trong tỉnh khai thác tiềm năng, thế mạnh về biển… Đến nay, giá trị các ngành kinh tế biển và ven biển của Khánh Hòa chiếm khoảng 80% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đưa vào khai thác 17 bến cảng biển và 1 khu chuyển tải dầu, chủ yếu là bến cảng tổng hợp, bến cảng xăng dầu, bến chuyên dụng (bến tiếp nhận xi măng/clinker phục vụ các trạm xi măng) và 52 bến thủy nội địa đang hoạt động. Ngành công nghiệp đóng tàu và các ngành phụ trợ được cơ cấu lại, phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm. Ngành công nghiệp chế biến trong đó chủ yếu là chế biến hải sản xuất khẩu…

Ưu tiên đầu tư phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh và kết nối với các địa phương lân cận khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, vừa thể hiện vai trò trung tâm trong khu vực, vừa góp phần tạo nên diện mạo mới cho Khánh Hòa. Đồng thời, xây dựng 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh gắn liền với 3 vịnh Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh đảm bảo đạt được nhiều thành tựu về kinh tế – xã hội.

Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, lũy kế đến tháng 9/2021, Khu Kinh tế Vân Phong đã thu hút được 153 dự án đầu tư (122 dự án trong nước và 31 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng dự án thu hút giảm so với năm 2020 do một số dự án chấm dứt hoạt động theo quy định Luật Đầu tư) với tổng vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD, vốn thực hiện là 1,86 tỷ USD đạt 47% vốn đăng ký; trong đó có 94 dự án đã đi vào hoạt động; 59 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng; đã giải quyết việc làm cho hơn 10.117 lao động.

Khu vực vịnh Cam Ranh đã và đang trở thành trung tâm kinh tế phía nam của tỉnh với mục tiêu phát triển đa ngành, kết hợp kinh tế với quốc phòng. Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2018 đã đón hơn 6 triệu lượt hành khách vượt công suất thiết kế. Cảng biển Cam Ranh sẵn sàng đáp ứng tốt nhất nhu cầu lưu thông, xuất, nhập hàng hóa của chủ hàng, khách hàng tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

PV: Thưa ông, trong thời gian tới, Khánh Hòa có những giải pháp gì để nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, cũng như đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp khi triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Để nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, cũng như đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp khi triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, tỉnh Khánh Hòa tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Chú trọng và khuyến khích các hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới trong nuôi trồng, khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy hải sản phục vụ phát triển kinh tế biển bền vững; nghiên cứu nuôi trồng, bảo tồn, chế biến dược liệu từ biển (thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm,…).

Ưu tiên các nguồn lực để khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng các dạng năng lượng tái tạo và ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo ở các vùng biển ven bờ của tỉnh. Xây dựng và phát triển các chương trình hợp tác về khoa học công nghệ nhằm thu hút nguồn lực và chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển. Thành lập Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Công nghệ đại dương tại Khánh Hòa nhằm nối kết vùng kinh tế các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.

Xây dựng và tổ chức các chương trình hướng nghiệp bên cạnh việc thực hiện cải tiến chương trình đào tạo ngành, nghề biển mang tính ứng dụng cao vào thực tế của từng địa phương, theo nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cũng có thể thích