Khủng hoảng năng lượng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong năm 2023

Khủng hoảng năng lượng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong năm 2023

MTĐT –  Thứ sáu, 13/01/2023 22:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra trong năm 2022 đã đặt ra cho thế giới nhiều vấn đề cần giải quyết nhanh chóng và triệt để.

Thay đổi bản đồ năng lượng thế giới

Nếu năm 2021, châu Âu nhập khẩu 50% lượng dầu và 3/4 lượng khí đốt bán ra của Nga thì hiện nay, châu Âu đang tìm đến các nhà cung cấp khí đốt lớn khác như Na Uy, Algeria, Mỹ, cũng như các nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng ở châu Phi và Trung Quốc.

Bước sang năm 2023, các chuyên gia dự đoán châu Âu sẽ sát cánh cùng nhau để cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ và hợp tác với đối tác trong nhóm các nền kinh tế tiên tiến G7.

Trong khi đó, Nga chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang các thị trường châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Ước tính, Trung Quốc và Ấn Độ mua 2/3 tổng lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển từ Nga. Trung Quốc cũng nhập khẩu khoảng 1/2 trữ lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường ống từ Nga.

Các liên minh năng lượng toàn cầu thay đổi khiến châu Âu phải tìm đến các giải pháp năng lượng thay thế như năng lượng xanh hay chuyển giao các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép, phân bón sang các quốc gia khác. Các nước Đông Á sẽ giảm sự phụ thuộc vào khí tự nhiên hóa lỏng, vốn đắt đỏ, và chuyển sang sử dụng than rẻ hơn.

Còn Mỹ dự kiến phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch trong nước để tự bảo vệ mình khỏi khủng hoảng và biến động giá cả.

Theo giới chuyên gia, năm 2023 cũng đón đầu nhiều giải pháp năng lượng khác như hydro xanh, thu được từ nước bằng phương pháp điện phân chạy bằng năng lượng tái tạo.

Đơn cử, Liên minh hdyro Canada – Đức, được công bố vào tháng 8, đang thống nhất các chính sách và đầu tư để phát triển chuỗi cung ứng hydro giữa 2 quốc gia. EU tập trung vào mối quan hệ thương mại năng lượng với các quốc gia châu Phi như Algeria, Nigeria, Namibia… hướng tới công nghệ hydro xanh và “power-to-X”, sử dụng điện sạch để tạo ra khí tự nhiên tổng hợp, nhiên liệu lỏng hoặc hóa chất trung hòa carbon.

Tuy nhiên, hiện nay, thế giới biết rất ít về chuỗi cung ứng công nghệ xanh hay chi phí sản xuất, vận chuyển hydro xanh. Đơn cử, amoniac được cho là có nhiều đặc tính để làm nguồn cung năng lượng cho tàu thủy, từ đó giúp vận chuyển nhiên liệu. Nhưng triển vọng thương mại của phương pháp này vẫn là một câu hỏi.

Các nhà nghiên cứu cần xem xét rằng liệu các giải pháp xanh có đủ để bù đắp cho sự sụt giảm năng lượng nhập khẩu từ Nga và tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu hay không.

Thúc đẩy năng lượng tái tạo và quá trình chuyển đổi xanh

Mức độ mà các quốc gia có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là một câu hỏi quan trọng trong năm 2023. Giá dầu và khí đốt toàn cầu tăng cao đã thúc đẩy các hộ gia đình và doanh nghiệp lắp đặt tấm pin mặt trời, máy bơm nhiệt để giảm chi phí.

tm-img-alt
Khủng hoảng năng lượng sẽ thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo (Nguồn: Internet)

Các nước phương Tây đang đẩy mạnh sản xuất công nghệ xanh trong nước để bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, một đối thủ cạnh tranh địa chính trị.

EU là một trong những khu vực dẫn đầu trong việc đẩy mạnh chuyển dịch ngành năng lượng theo hướng xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nguồn năng lượng sạch. Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ở EU liên tục phát triển trong những năm gần đây.

Các nhà sản xuất ô tô chuyển sang sử dụng khung gầm làm bằng “thép xanh” được rèn bằng năng lượng tái tạo và chuyển sang bánh xe làm bằng “nhôm xanh” được sản xuất bằng phương pháp carbon thấp.

Một số lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm nhôm, phân bón và các hóa chất khác, cũng sẽ phải chuyển sang những nơi cung cấp năng lượng giá rẻ như Mỹ hoặc Trung Đông.

Dự kiến đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp 1/3 lượng điện trên thế giới. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), công suất điện gió và quang điện sẽ vượt công suất của khí đốt vào năm 2023 và than đá vào năm 2024.

Tác động đến hành động khí hậu

Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ tác động đến những hành động về khí hậu trong năm 2023. Trong khi các nước phương Tây chuyển sang sử dụng than đá để thay thế năng lượng nhập khẩu từ Nga, họ lại kêu gọi các quốc gia nghèo hơn nỗ lực giảm lượng khí thải carbon.

Điều này đang gây nên sự không hài lòng trong các quốc gia thu nhập thấp, trung bình, từ đó gây căng thẳng giữa các quốc gia giàu – nghèo nếu họ không đạt được nguyên tắc chung.

Trước vấn đề này, tạp chí Nature nhận định, các nhà khoa học xã hội, chính trị, kinh tế cần xác định cơ chế song phương, khu vực và đa phương nào phù hợp nhất để thúc đẩy tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ như đã cam kết trong Thỏa thuận Khí hậu Paris.

Một vấn đề khác cần quan tâm là quỹ tổn thất và thiệt hại (Loss and Damage) để bồi thường cho các quốc gia về tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu. Nếu không, căng thẳng giữa các quốc gia sẽ gia tăng và có nguy cơ làm đình trệ các cuộc đàm phán về khí hậu.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội trong và giữa các quốc gia. Các gia đình khó khăn, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chi phí năng lượng tăng vọt do khủng hoảng năng lượng.

Điều này sẽ kéo theo khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng nợ. Ngành công nghiệp tại các nền kinh tế dễ bị tổn thương có thể bị thu hẹp.

Khủng hoảng năng lượng vừa là cơ hội vừa là thách thức. Khi đồng hồ điểm sang năm 2023, các nhà nghiên cứu phải đưa ra câu trả lời để bảo vệ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

Vĩnh Hải (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích