Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng 2023

(Xây dựng) – Ngày 13/1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm: “Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023” với sự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp để nhận diện những khó khăn, vướng mắc, nút thắt cần tháo gỡ cũng như xu hướng, triển vọng phát triển của thị trường bất động sản năm 2023.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng 2023
Tọa đàm “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và triển vọng 2023” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) ở các vùng miền, nhất là ở các thành phố lớn có sự phát triển hết sức mạnh mẽ và nhanh chóng, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước cũng như lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp nói riêng và công tác bảo đảm an sinh xã hội nói chung.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ấy, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, hoạt động thị trường BĐS cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc cần được các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ. Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến doanh nghiệp phản ánh về những bất bất cập này, trong đó lớn nhấn là thủ tục hành chính về đầu tư còn rườm rà, gây cản trở; sự phát triển của các phân khúc thị trường còn lệch; nguồn vốn tín dụng đầu tư vào thị trường này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; giá nhà ở tiếp tục tăng và ở mức khá cao so với thu nhập của người dân; cơ cấu hàng hóa BĐS nhiều nơi còn chưa hợp lý…

Cùng với những chính sách đồng bộ hiện hữu, gần đây nhất, ngày 14/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1164/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở với những chỉ đạo hết sức quyết liệt, cụ thể trên tinh thần “giao tận tay, chỉ tận việc” cho từng bộ, ngành, cơ quan hữu quan trong tháo gỡ những khó khăn hiện tại của thị trường này.

Tại Tọa đàm, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vương Duy Dũng cho biết, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ có một loạt công điện chỉ đạo người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS, cũng như phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có Công điện 1164 về tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường BĐS.

Không chỉ có Công điện 1164 mà trước đó, khi thị trường có những dấu hiệu bất ổn, khó khăn, ngay lập tức Thủ tướng đã có chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Bộ Xây dựng, nghiên cứu, nắm bắt tình hình để giải quyết. Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ có những cuộc họp để gặp gỡ, làm việc, lắng nghe các doanh nghiệp cũng như hiệp hội trong lĩnh vực BĐS, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Ngày 17/11/2022, Thủ tướng có Quyết định số 1435 thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án BĐS tại địa phương và các doanh nghiệp. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng.

Ngay sau khi được thành lập, Tổ công tác khẩn trương và tích cực triển khai nhiệm vụ được giao. Trong 2 tuần liên tục sau đó, Tổ đã làm việc trực tiếp với 5 thành phố trực thuộc Trung ương và làm việc với khoảng 30 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực BĐS.

Đồng thời, Tổ làm việc và trao đổi trực tiếp với đại diện của các hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài chính BĐS. Qua đó, Tổ công tác cũng như các bộ, ngành đã nắm bắt được đầy đủ, cụ thể, rõ ràng thị trường BĐS trên thực tế và các báo cáo Thủ tướng.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng có Công điện 1164 chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS. Sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy sự kịp thời, quyết liệt. Các bộ, ngành, Tổ công tác cũng như Bộ Xây dựng rất khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện và nghiên cứu, nắm bắt tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Nội dung của Công điện cũng chỉ ra đầy đủ, cụ thể các nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn và cũng rất đầy đủ để giải quyết câu chuyện tổng thể của thị trường, gồm nhiều ngành, lĩnh vực liên quan đến thị trường BĐS. Các giải pháp rất khả thi và hiệu quả.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu đánh giá, thị trường BĐS của chúng ta đã có sự phát triển vượt bậc trong 20 năm qua, nhưng trong quá trình phát triển cũng đối diện rất nhiều thách thức, khó khăn. Có thể nói thị trường BĐS hiện nay đang rất khó khăn và khó khăn lớn nhất là vướng mắc về pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp (DN) bất động sản các dự án bất động sản. Khó khăn tiếp theo là vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng; rồi việc tiếp cận nguồn vốn trái phiếu DN đang gặp rất nhiều vướng mắc.

Để xử lý vấn đề này, phải nói rằng, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương kể từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đặc biệt trong năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 18, đặt mục tiêu rất cụ thể, đến hết năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và một số luật liên quan bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Đó là mục tiêu cực kỳ quan trọng mà hiện nay Chính phủ đang nỗ lực thực hiện.

Hiệp hội đặc biệt ấn tượng với Chính phủ trong nhiệm kỳ này, kể từ tháng 6/2021 đến nay đã có 17 cuộc họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Đó là điều chúng tôi chưa từng thấy, tức là Chính phủ rất tập trung cho công tác xây dựng pháp luật và kết quả đã tạo được sự chuyển động ở các bộ, ngành. Hiệp hội cũng đánh giá rất cao những nỗ lực của Bộ Xây dựng trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 01 của Chính phủ để định hướng phát triển kinh tế-xã hội của năm 2023, trong đó có những định hướng, chủ trương để giải quyết vướng mắc khó khăn của thị trường bất động sản. Với những động thái phản ứng kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội có niềm tin là thị trường BĐS sẽ được tháo gỡ vướng mắc khó khăn.

Còn theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, BĐS là câu chuyện dòng tiền rất lớn, quyện rất chặt với thị trường tài chính, hệ thống tài chính ngân hàng. Cho nên bên cạnh mối quan hệ thúc đẩy lẫn nhau phát triển lành mạnh giữa thị trường tài chính, thí dụ như thị trường tín dụng, thị trường vốn, thị trường cổ phiếu, trái phiếu và có nguồn lực tốt phát triển thị trường BĐS thì nó cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro.

Vì vậy, cái khéo, cải giỏi của các quốc gia là làm sao thúc đẩy 2 thị trường này: Tài chính và bất động sản, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm kinh doanh nhưng tránh đổ vỡ, những điểm nghẽn, những khó khăn bản thân chúng tạo ra, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Chính vì vậy, nếu chúng ta muốn nhìn cách xử lý thì phải nhìn tổng thể, tất cả chiều cạnh liên quan đến phát triển thị trường BĐS. Nếu chúng ta muốn phát triển thị trường lành mạnh, còn rất rất nhiều việc phải làm trong trung và dài hạn.

Trước mắt, thông thường các quốc gia xử lý tập trung vào 2 góc độ quan trọng nhất: Một là cam kết chính trị bảo đảm minh bạch vì cái này là một phần không thể thiếu, tạo dựng lại lòng tin khi thị trường bị đổ vỡ, khi thị trường bị đóng băng, thậm chí là khủng hoảng. Thứ hai là nhóm liên quan đến pháp lý tài chính và tiền tệ. Hai cái này gắn quyện với nhau bởi nếu không xử lý vấn đề pháp lý thì mối quan hệ giữa các định chế tài chính, các ngân hàng với các doanh nghiệp BĐS không trở về trạng thái gọi là dòng tiền dịch chuyển bình thường được…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích