Đề xuất triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc

Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã khẳng định, nước ta phải đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Tuy nhiên, nước ta chưa có các mô tả định lượng để giúp hình dung và cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Do đó, cần thiết phải có một bộ chỉ số mô tả hiện trạng mô hình phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ở Việt Nam, từ năm 2017, Chính phủ đã sử dụng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hằng năm, nhằm xác định các điểm mạnh, điểm yếu của quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, qua theo dõi cho thấy, các địa phương còn lúng túng trong việc tham gia thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện chỉ số GII cấp quốc gia. Một trong những lý do là chỉ số GII đánh giá ở cấp quốc gia, nên nhiều số liệu thống kê tương tự ở cấp địa phương không có và phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới, có những điểm không phù hợp với cấp địa phương của Việt Nam.

Bên cạnh đó, do có sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô kinh tế – xã hội, dân số, đất đai, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển…, nên các địa phương phải lựa chọn mô hình phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng của địa phương mình. Do đó, nhiều địa phương kiến nghị cần có Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo dành riêng cho địa phương để căn cứ vào đó có thể chỉ đạo điều hành tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.

Ảnh minh hoạ

Được sự hỗ trợ kỹ thuật của WIPO, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương theo 10 bước, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam. Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thí điểm tại 20 tỉnh, thành phố ở 6 vùng kinh tế có mức thu nhập khác nhau, cơ cấu kinh tế khác nhau, đủ tiêu chí để đại diện cho tất cả 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc, từ đó rút kinh nghiệm cũng như hoàn thiện phương pháp, cách thức triển khai, đánh giá tác động của bộ chỉ số với các địa phương.

Kết quả cho thấy 18 địa phương được lọt vào xếp hạng, chia thành 4 nhóm: nhóm dẫn đầu 2 địa phương, nhóm 2 có 4 địa phương, nhóm 3 gồm 8 địa phương và 4 địa phương ở nhóm cuối cùng. Trong đó Hà Nội có điểm số cao nhất là 61.07 (xếp hạng 1), tiếp theo là Đà Nẵng (56.69, hạng 2) và TP.HCM (52.27, xếp thứ 3). Sơn La là địa phương có điểm số thấp nhất (26.49, xếp hạng 18). Bên cạnh điểm số và xếp hạng, kết quả từng chỉ số, nhóm chỉ số và trụ cột của mỗi địa phương cũng được chỉ rõ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, PII của Việt Nam gồm 51 chỉ số, trong đó 14 chỉ số lấy dữ liệu từ các địa phương; 37 chỉ số lấy dữ liệu từ các bộ, ngành và các tổ chức khác ở Trung ương. Các Sở Khoa học và Công nghệ là đầu mối thu thập, tổng hợp dữ liệu của địa phương. Chỉ số PII do địa phương cung cấp gồm các chỉ số về: Thể chế; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển kinh doanh; sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ…

Theo kết quả phân tích, đánh giá, các địa phương tham gia thử nghiệm được chia thành 4 nhóm. Kết quả đánh giá cho thấy, phù hợp, tương đồng cao với đặc thù mô hình phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Đồng thời, 5 điểm mạnh và 5 điểm yếu của mỗi địa phương cũng được chỉ rõ. Trên cơ sở các thông tin chi tiết này, các địa phương có thể nhận diện được vấn đề cần chú trọng để từ đó có các chỉ đạo, điều hành trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của địa phương và quốc gia.

Chuyên gia quốc tế độc lập do WIPO chỉ định đã tiến hành kiểm định độc lập bộ chỉ số. Kết quả kiểm định đã khẳng định khung chỉ số và các chỉ số thành phần được thiết kế phù hợp, phản ánh được hiện trạng của đối tượng được đo lường; các bước xử lý dữ liệu, tính toán điểm số và thứ hạng đều được thực hiện đầy đủ, chính xác, minh bạch và đáng tin cậy.

Qua thử nghiệm cho thấy, Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương đủ mạnh để đưa ra những kết luận hữu ích. Trên cơ sở kết quả thử nghiệm, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất được cấp có thẩm quyền cho phép chính thức triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích