Trường Quân sự Quân khu 7: Đoạn clip đang lan truyền đã bị cắt ghép, dàn dựng
Tại buổi họp báo, Đại tá Nguyễn Tiến Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân khu 7 cho biết, vụ việc diễn ra vào tối 10/1 tại một lớp học quân sự khoảng 18-20 người. Khi đó, xuất hiện việc một em sinh viên bị mất tiền và mọi người dồn sự nghi ngờ cho nữ sinh tên H..
Khi bị mọi người ghi ngờ ăn trộm tiền, em H. bị kích động tâm lý đã xô cửa ra ngoài khóc lóc và la hét lớn. Sau khi nghe tiếng la hét của em H., một cán bộ trong trường đã đưa em xuống phòng làm việc để nắm tình hình.
“Sau khi nắm được tính chất vụ việc và nhận thấy em H. bị chấn động tâm lý, nhà trường đã kết nối với phụ huynh của em H. để đưa con về nhà chăm sóc và động viên. Do nhà trường không đủ điều kiện để chăm sóc như mẹ ruột của em được”, ông Nguyễn Tiến Sơn cho biết.
Đại tá Nguyễn Tiến Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân khu 7 thông tin tại buổi họp báo. |
Ông Nguyễn Tiến Sơn cho biết thêm, trong quá trình em H. la hét, có một phụ nữ ở tòa nhà đối diện nghe tiếng động lớn nên dùng điện thoại quay lại và chia sẻ clip. Đến tối 11/1, trên mạng xã hội lan truyền với nội dung có vụ việc xâm hại nữ sinh viên học quân sự tại Trường Quân sự Quân khu 7. Nhà trường đã làm việc với sinh viên quay clip và đính chính lại thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội.
“Chúng tôi cũng đã liên hệ với gia đình của em H., gia đình cho biết em H. đang bị kích động tâm lý do thông tin mọi người đăng tải là không đúng sự thật. Gia đình cũng cho biết em H. hiện tại không muốn tiếp xúc với ai, sau khi ổn định tâm lý sẽ quay trở lại trường học tập”, ông Nguyễn Tiến Sơn cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Sơn cũng nhấn mạnh, hầu hết các đoạn video clip lan truyền trên mạng đều có dấu hiệu cắt ghép, dàn dựng. Nhiều nội dung âm thanh, hình ảnh không có trong video clip gốc, đã được chèn vào để lồng ghép, xuyên tạc, bịa đặt. Nhiều tài khoản mạng xã hội đăng tải những clip dàn dựng này có dấu hiệu mục đích phản động, chống phá Nhà nước.
Ngoài ra, Trường Quân sự Quân khu 7 đã có công văn gửi Công an TP.HCM điều tra và xác minh các thông tin lan truyền sai sự thật, có nhiều dấu hiệu của việc cắt ghép thông tin. Các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cũng đã đến Trường Quân sự Quân khu 7 làm việc, nắm bắt thông tin vụ việc này.
Tại buổi họp báo, nữ sinh tên T. quay clip sự việc diễn ra tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng & An ninh, Trường Quân sự Quân khu 7 cũng có mặt để trao đổi với báo chí về sự việc diễn ra vào thời điểm đó. Em T. cho biết, tối ngày 10/1, em có ca gác đêm vào lúc 21h30 tới 23h00. Trong khoảng thời gian này, em thấy tiếng la hét phát ra từ khu đối diện nên đã cầm điện thoại lên và quay lại.
Vì thấy một bạn nữ la hét và bỏ chạy, T. đã tự suy đoán và hỏi bạn sinh viên gác chung: “Hình như bị hiếp dâm hả?”. Sau đó T. được thầy quản lý ở trung tâm cho hay là bạn sinh viên nữ kia bị trầm cảm. Do bị các bạn trong lớp đổ lỗi là ăn cắp tiền, nữ sinh mới la hét, chạy ra lan can có ý định nhảy lầu, may mắn được các thầy và các bạn nữ cùng tòa nhà ngăn lại.
Trước khi được thầy quản lý phổ biến thông tin, T. có gửi clip cho hai bạn nữ gác cùng mình và một bạn nam ở khu khác. Ngay sau đó, T. cũng đã đính chính lại thông tin là bạn H. bị trầm cảm nên có ý định tự tử do bị đổ lỗi ăn trộm tiền, chứ không phải bị hiếp dâm.
Tại buổi họp báo, T. mong cơ quan công an sớm xác minh, điều tra những người đã đăng tải clip, xuyên tạc sự việc để câu chuyện sớm sáng tỏ.
Trước đó, ngày 11/1, trên các diễn đàn và mạng xã hội lan truyền rất nhanh một đoạn video clip ngắn kèm theo là những tiếng la hét ầm ĩ, kèm theo những thông tin tiêu cực đăng được cho là xuất phát từ một nữ sinh của Trường Đại học HUFLIT hiện đang học Giáo dục Quốc phòng & An ninh tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng & An ninh, Trường Quân sự Quân khu 7. Thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng, một nữ sinh đã bị xâm hại tình dục; do quá phẫn uất, nữ sinh này đã nhảy lầu tự tử. Cùng ngày, Đại tá Bùi Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng & An ninh, Trường Quân sự Quân khu 7 đã có văn bản gửi Ban Giám hiệu Trường Đại học HUFLIT, khẳng định thông tin lan truyền trên một số trang mạng xã hội là thông tin thất thiệt, không đúng sự thật, xuyên tạc với dụng ý xấu. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô