Biến đổi khí hậu gây ra thách thức lớn đối với nền kinh tế toàn cầu
Biến đổi khí hậu gây ra thách thức lớn đối với nền kinh tế toàn cầu
Theo dõi MTĐT trên
Biến đổi khí hậu đã và đang gây sức ép lên nền kinh tế toàn cầu, trước nỗ lực của cả nhân loại trong mục tiêu ứng phó với các cuộc khủng hoảng chung.
Theo AP đua tin, Báo cáo Rủi ro toàn cầu từ Diễn đàn kinh tế thế giới dự báo một bức tranh ảm đạm của kinh tế toàn cầu trước thềm cuộc họp thường niên của lãnh đạo các nước và các nhà kinh tế tại khu nghỉ dưỡng Davos của Thụy Sĩ.
Báo cáo dựa trên khảo sát của 1200 chuyên gia đánh giá rủi ro, các doanh nhân và các nhà hoạch định chính sách. Những thách thức lớn nhất trong thập kỷ tới sẽ liên quan đến môi trường. Tuy nhiên, ở diễn biến hiện tại, thách thức trước mắt liên quan đến kinh tế đang khiến các nhà lãnh đạo thế giới quên đi những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
Báo cáo ghi nhận: “Trong những năm tới, thế giới sẽ phải đối mặt với các mối quan tâm lớn về cạnh tranh xã hội, môi trường và an ninh. Thất bại trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu được xem là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất nhưng lại là rủi ro toàn cầu mà chúng ta đang ít chuẩn bị nhất”.
Trong số 10 thách thức dài hạn vào thời gian tới, khảo sát nhắc đến 4 vấn đề hàng đầu có liên quan đến biến đổi khí hậu là thất bại trong việc hạn chế hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu; thiên tai, thời tiết cực đoan, mất đa dạng sinh học và sụp đổ hệ sinh thái.
Những ứng phó với biến đổi khí hậu
Báo cáo cũng cho biết những rủi ro ngắn hạn đang thử nghiệm mức độ triển khai của cam kết toàn cầu đưa mức phát thải ròng bằng 0 và đang làm rõ tính cần thiết về mặt khoa học và hợp lý về mặt chính trị.
Carolina Klint, lãnh đạo quản lý rủi ro tại Marsh cho biết: “Chúng ta cần phải cân bằng tốt hơn giữa triển vọng rủi ro ngắn hạn và triển vọng rủi ro dài hạn. Chúng ta cũng cần đưa ra quyết định ngay bây giờ, có thể hơi tốn kém một chút nhưng là điều không tránh khỏi. Chẳng hạn như khoản đầu tư lớn cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng bền vững”.
Đứng đầu danh sách những thách thức trong hai năm tới là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do đại dịch Covid-19 gây ra và căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine. Diễn biến này đã đẩy giá lương thực và năng lượng tăng vọt, siết chặt tài chính của các hộ gia đình trên khắp thế giới.
Những dư chấn khác do đại dịch Covid-19 và căng thẳng leo thang đang báo hiệu một kỷ nguyên mới ảm đạm hơn cho nền kinh tế toàn cầu. Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất – động thái đã gây ra suy thoái kinh tế hoặc hỗ trợ tài chính bảo vệ người dân khỏi những tác động xấu nhất nhưng có thể làm tăng thêm mức nợ công vốn đã cao.
Báo cáo cũng cho biết phi toàn cầu hóa đang ngày càng gia tăng. Căng thẳng Ukraine đã cho thấy sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga. Cùng với đó là tình trạng thiếu chất bán dẫn do hạn chế về đại dịch Covid-19 đã tác động đến các ngành sản xuất chất bán dẫn ở châu Á.
Căng thẳng kinh tế đang lan rộng trên khắp thế giới. Tình trạng căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng khi các cường quốc toàn cầu sử dụng chính sách kinh tế phòng thủ để giảm bớt sự phụ thuộc vào các nước khác và hạn chế sự trỗi dậy của các quốc gia cạnh tranh.
Theo các chuyên gia, trên hết, xã hội sẽ ngày càng phân cực rõ nét hơn. Sự chia rẽ do các khác biệt về vấn đề nhập cư, giới tính, quyền sinh sản, tôn giáo, khí hậu … cũng đang góp phần gây ra những thách thức lớn cho kinh tế toàn cầu. Một rủi ro khác đang gia tăng hiện nay là tội phạm mạng và mất an ninh mạng như hệ thống giao thông, tài chính và nước, khiến các hoạt động bị gián đoạn.
Báo cáo cũng nhắc đến cuộc chạy đua phát triển công nghệ mới trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và công nghệ sinh họ. Sự phát triển này là một phần giải pháp cho các cuộc khủng hoảng, tuy nhiên, cũng có thể làm gia tăng bất bình đẳng vì các nước nghèo hơn không đủ khả năng chi trả kinh phí cho quá trình đầu tư vào công nghệ mới. Theo các chuyên gia, kỷ nguyên kinh tế mới có thể là một kỷ nguyên của sự khác biệt ngày càng tăng giữa các nước giàu và nghèo.
Tuấn Khang (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị