Thủ tướng đồng chủ trì Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào
Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng luôn nằm trong top 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào.
Quang cảnh Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình công tác tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, sáng 12/1, tại thủ đô Vientiane, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào năm 2023.
Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đông đảo doanh nghiệp hai nước cùng các đối tác.
Đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam sang Lào đạt 5,34 tỷ USD.
Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam.
Việt Nam cũng luôn nằm trong top 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào.
Đầu tư của Việt Nam vào Lào tiếp tục xu hướng tăng cao và bền vững hơn.
Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Năm 2022, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 180 triệu USD, tăng 52,5% so với năm 2021.
Một số dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào làm ăn có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2023.
Nhiều dự án hiện nay đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội Lào, nộp ngân sách lớn, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương, được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương Lào ghi nhận và đánh giá cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone dự Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Ở chiều ngược lại, Lào hiện có 10 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 71 triệu USD.
Doanh nghiệp Lào được các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam…
Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào; giới thiệu cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài của Lào; định hướng và giải pháp mới trong hợp tác đầu tư giữa hai nước; giải đáp vấn đề liên quan và bàn về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại Lào; thúc đẩy các cơ hội và dự án đầu tư mới.
Ngoài ra, hội nghị còn tổ chức các hoạt động trưng bày sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam-Lào và hoạt động kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp.
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đánh giá cao ý kiến phát biểu của các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước.
Chính phủ Lào với trách nhiệm của mình sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp, tìm giải pháp giải quyết giúp các nhà đầu tư Việt Nam vượt qua khó khăn, kinh doanh hiệu quả, làm ăn ngày càng vững mạnh trên đất nước Lào.
Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết Chính phủ Lào giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ phận nghiên cứu chính sách, thủ tục, quy trình về đầu tư nước ngoài đồng bộ, hiện đại; tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, giải quyết các kiến nghị của các nhà đầu tư; nâng cao tinh thần sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp thực hiện các dự án hiệu quả; giải quyết mọi vấn đề vướng mắc, điểm nghẽn trong đầu tư kinh doanh ở Lào.
Các bộ, ngành, cơ quan của Lào tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn của Việt Nam sang đầu tư vào các lĩnh vực mà Lào có thế mạnh, tiềm năng như nông nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dịch vụ, du lịch, logistics…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào. Ảnh: Dương Giang-TTXVN |
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ và biểu dương các doanh nghiệp hai nước đã vượt qua khó khăn, thách thức trong thời gian vừa qua, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi nước; ghi nhận các ý kiến của các đại biểu; đồng thời mong muốn, hy vọng những vấn đề được nêu tại hội nghị sẽ được giải quyết, thúc đẩy và kết quả của hội nghị sẽ là những sản phẩm cụ thể.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ băn khoăn vì quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào là quan hệ đặc biệt, có một không hai trên thế giới; “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa,” song quan hệ về kinh tế phát triển chưa tương xứng, trong khi dư địa còn rất lớn.
Do đó, nhiệm vụ của hai nước và doanh nghiệp hai nước là làm sao tạo ra được nhiều của cải vật chất hơn để đất nước Lào, đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hùng cường, thịnh vượng; người dân hai nước ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Trên cơ sở phân tích, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chính phủ hai nước phải hoàn thiện thể chế và thực hiện nhất quán về chính sách để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư; giữ vững ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, phù hợp với từng giai đoạn; đối với những lĩnh vực khuyến khích phát triển cần có cơ chế chính sách khuyến khích, ưu tiên.
Bên cạnh đó, hai chính phủ cần chia sẻ, phối hợp, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, trong đó phối hợp, xây dựng, kết nối hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa-xã hội… giữa hai nước.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, kinh doanh trên đất nước Lào phải cạnh tranh lành mạnh, kinh doanh đúng pháp luật; cùng Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam hoàn thiện thể chế cần thiết.
Thủ tướng lưu ý: “Doanh nghiệp Việt Nam ngoài sứ mệnh sản xuất, kinh doanh để có lợi nhuận, phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội, vun đắp cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Lào.”
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ quan điểm hợp tác là phải “hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp” và với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.”
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng vào hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào lần sau, hai nước Việt Nam-Lào sẽ được chứng kiến nhiều thành quả hơn so với hội nghị năm nay./.
Nguồn: Báo xây dựng