Đề xuất bổ sung quy định đối với chủ đầu tư trong chuyển nhượng dự án bất động sản
(Xây dựng) – Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý một số quy định của Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó đề xuất bổ sung quy định đối với chủ đầu tư trong chuyển nhượng dự án bất động sản.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Theo Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), Bộ Xây dựng đã sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó đã bổ sung khoản 7 Điều 24 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định về “đặt cọc” trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng và nhà đầu tư, nhất là để ngăn chặn tình trạng “đầu nậu, cò đất” lợi dụng quy định “đặt cọc” của Bộ Luật dân sự để thực hiện hành vi lừa đảo khách hàng.
HoREA cho biết, Khoản 2 Điều 41 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định: “2. Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) với Nhà nước đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng” đã “luật hoá” một phần nội dung khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội khóa 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cho phép được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Bên cạnh đó, đã bổ sung quy định về Hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú của Nghị định 02/2022/NĐ-CP nâng cấp thành khoản 7 Điều 24 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, nhà đầu tư mua, thuê mua công trình xây dựng không phải là nhà ở, có chức năng lưu trú đưa vào kinh doanh như căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)…
Khoản 3 Điều 49 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã bổ sung quy định về 3. Việc thanh toán hợp đồng trong kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản phải được thực hiện thông qua tổ chức tín dụng đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam để bảo đảm công khai, minh bạch.
Đồng thời, HoREA cho rằng, các quy định tại Mục 2 và Mục 3 Chương VII Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định điều kiện thành lập và thủ tục cấp Giấy phép đăng ký hoạt động của sàn giao dịch bất động sản; quy định cụ thể các trường hợp giao dịch bất động sản phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản; quy định các cá nhân hoạt động môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và phải hành nghề trong một sàn giao dịch hoặc tổ chức môi giới sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động môi giới và sàn giao dịch bất động sản trong thời gian tới.
Khoản 4 Điều 63 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định “nghĩa vụ của Sàn giao dịch bất động sản” phải “4. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Quy định này giúp Sàn giao dịch thực hiện trách nhiệm báo cáo theo quy định của Luật phòng, chống rửa tiền 2022 trong lĩnh vực bất động sản và trở thành nguồn cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các quy định trên đây phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 yêu cầu bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt và phù hợp với thực tiễn so với các Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trước đây.
Trên cơ sở đó, HoREA đã góp ý, đề nghị quy định trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng dự án, một phần dự án bất động sản mà chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) với Nhà nước đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng thì bên nhận chuyển nhượng dự án chịu trách nhiệm thực hiện hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Theo đó, HoRA đề nghị thống nhất nhận thức coi chuyển nhượng dự án, một phần dự án là hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp thuộc quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã được quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2014, 2020.
Mặt khác, theo HoREA nền kinh tế thị trường thì giá cả do các quy luật thị trường quyết định, không phải do ý chí chủ quan của doanh nghiệp và Nhà nước có nhiều công cụ để kiểm soát, quản lý thị trường bất động sản.
Hơn nữa, khi chuyển nhượng dự án, một phần dự án thì doanh nghiệp phải nộp thuế, khắc phục tình trạng chuyển nhượng chui, dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần, thay đổi cổ đông, chuyển nhượng doanh nghiệp (thực chất là chuyển nhượng dự án) có thể làm thất thu, thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.
HoREA nhận thấy, trường hợp dự án đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chủ đầu tư chuyển nhượng chắc chắn đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Trường hợp dự án chỉ có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có 02 trường hợp xảy ra: Chủ đầu tư chuyển nhượng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận; Chủ đầu tư chuyển nhượng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nên chưa được cấp Giấy chứng nhận.
Đáng chú ý, pháp luật về đất đai quy định chủ đầu tư dự án chỉ được cấp Giấy chứng nhận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và nghĩa vụ tài chính này chỉ thực hiện một lần.
Hơn nữa, bên nhận chuyển nhượng dự án thường là các tổ chức kinh tế có năng lực tài chính nên hoàn toàn có thể bổ sung quy định bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ này và không có “nguy cơ” làm thất thu, thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.
Từ những phân tích trên, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 41 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), như sau: “2. Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) với Nhà nước đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.
Trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng chưa thực hiện hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì chủ đầu tư nhận chuyển nhượng dự án, một phần dự án có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thay cho bên chuyển nhượng”.
Nguồn: Báo xây dựng