Kinh tế xanh – xu hướng tất yếu giúp tăng trưởng và duy trì sự bền vững về môi trường
Thời gian qua, việc các quốc gia chỉ tập trung khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng thiếu sự quan tâm đến hiệu quả khai thác đã giúp các nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn dài, tuy nhiên, điều này đã và đang gây ra những tổn hại lớn cho môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước, đại dương; suy thoái đất; mất rừng; suy giảm tầng sinh học; gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, SO2, CH4… đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Trước bối cảnh đó, kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường.
Hiểu một cách đơn giản, kinh tế xanh chính là nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.
Tại Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh là lựa chọn tất yếu, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Quang Huân, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, nếu không phát triển xanh thì xả thải càng ảnh hưởng đến tỷ trọng nền kinh tế, đến một lúc nào đó, sản phẩm sản xuất ra sẽ không được ưa chuộng trên thế giới.
Đây là áp lực rất cụ thể, không chỉ cần quyết tâm của các nhà chính trị, nhà môi trường để giảm thải, mà còn là vào yêu cầu đối với doanh nghiệp. Do đó để đáp ứng được yếu tố phát triển theo hướng “xanh hoá” trong hoạt động của mình, doanh nghiệp phải có tinh thần chủ động để thay đổi công nghệ và phát triển xanh.
“Để phát triển xanh, việc này trước hết là sự nỗ lực, chủ động của doanh nghiệp Việt Nam. Thứ hai nữa là kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, không phải chỉ là đồng vốn mà cần cả công nghệ để phát triển xanh. Doanh nghiệp phải tự cứu mình, cùng với sự trông chờ thay đổi chính sách của Đảng và Nhà nước, chúng ta sẽ đạt được sự nghiệp thay đổi công nghệ phát triển xanh”, ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.
Ở nước ta, những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường như Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2020 nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ của Chiến lược; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020…
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Trước yêu cầu ngày càng cao của phát triển bền vững, vai trò của hệ thống tiêu chuẩn là vô cùng quan trọng. Tại Việt Nam, việc xây dựng tiêu chuẩn về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng đang được triển khai tích cực. TS. Nguyễn Hoàng Linh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL phân tích: “Hiện có rất nhiều lĩnh vực, nhóm sản phẩm hàng hóa cần nghiên cứu và xây dựng thành tiêu chuẩn quốc gia cụ thể, các tiêu chuẩn về đặc tính kỹ thuật của sản phẩm hàng hóa cụ thể hoặc tiêu chuẩn mang tính chất nâng cao năng lực quản lý và tiêu chuẩn hỗ trợ, phục vụ cho quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa”.
Theo ông Linh, xu thế toàn cầu hiện nay là phát triển bền vững, tối ưu hóa sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có nghiên cứu, đưa ra các tiêu chuẩn phục vụ cho kinh tế tuần hoàn, hoặc nhóm tiêu chuẩn tạo ra vật liệu mới, sản phẩm mới có tính năng tương tự như sản phẩm thông thường nhưng sử dụng ít nguyên, nhiên vật liệu hơn và thải ra môi trường chất độc hại ít hơn.
“Đây không chỉ là chủ trương của Việt Nam mà còn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế trong việc xây dựng tiêu chuẩn xanh, xây dựng các tiêu chuẩn phục vụ kinh tế tuần hoàn, xây dựng tiêu chuẩn về vật liệu mới thân thiện hơn với môi trường”, TS. Linh nhấn mạnh.
Kỳ vọng rằng với những chủ trương, chính sách và kết quả thực tiễn từ bước đầu triển khai, việc phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước một cách toàn diện, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái cho tương lai ở nước ta thực sự đạt hiệu quả như mong đợi, góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII của Đảng vào cuộc sống.
Mai Phương