Thúc đẩy hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ
Theo Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ là di sản mang đầy đủ giá trị kiến trúc cảnh quan vĩ đại và độc đáo bậc nhất của khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Trưởng đại diện UNESCO kiểm tra công tác bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN) |
Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cần tiếp tục làm tốt công tác tư liệu hóa quá trình nghiên cứu, khai quật và từng bước phát hiện được các hiện vật chi tiết, kỹ lưỡng hơn nữa, đồng thời tiến hành thực hiện bản đồ quét bằng công nghệ quét không xâm lấn để mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác khai quật.
Ông Christian Manhart – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam – nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc với Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) diễn ra chiều 9/1.
Theo Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ là di sản mang đầy đủ giá trị kiến trúc cảnh quan vĩ đại và độc đáo bậc nhất của khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong giai đoạn cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15.
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như các chuyên gia trong việc đầu tư nghiên cứu, khai quật khảo cổ học tại Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.
Tại buổi làm việc, Phó giáo sư, tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đã báo cáo kết quả công tác khai quật, khảo cổ học tại Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ từ năm 2020 đến nay.
Trong gần 3 năm qua, các nhà khảo cổ, các nhà khoa học đã tổ chức nhiều cuộc khai quật có quy mô tương đối lớn tại Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.
Tiêu biểu là cuộc khai quật 6 hố tại nội thành với tổng diện tích 25.000m2, phát hiện được 4 cụm dấu tích có niên đại thời Trần-Hồ, 2 cụm kiến trúc thời Lê Sơ, 1 cụm kiến trúc thời Lê Trung Hưng; Cuộc khai quật Đường Hoàng gia-Thành nhà Hồ đã làm rõ hiện trạng dấu tích, cấu trúc và vật liệu xây dựng con đường Hoàng gia trong nội thành… Đây là những minh chứng quan trọng về tính toàn vẹn, tính xác thực và khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Thành nhà Hồ.
Những kết quả nghiên cứu khảo cổ sẽ là bằng chứng tin cậy để trong tương lai có thể tái hiện hay phục dựng được một phần nào đó di sản.
Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định: “Các cuộc khai quật với nhiều phát hiện mới đóng góp vào việc tìm hiểu cấu trúc và kiến trúc Thành nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử. Thông qua các cuộc khai quật đã chứng minh giá trị từ sự nguyên vẹn của những nền móng kiến trúc được bảo tồn với chất lượng rất tốt dưới lòng đất trong hơn 600 năm qua tại Di sản Thành nhà Hồ – điều mà không phải di sản nào trong khu vực và trên thế giới có thể có được. Đồng thời, đây cũng là minh chứng khẳng định nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS) trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Thành nhà Hồ theo đúng tinh thần công ước 1972 của UNESCO.”
Sáng cùng ngày, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng đã có buổi tiếp, làm việc với Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam và đoàn công tác.
Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản Thành nhà Hồ, ông Phạm Nguyên Hồng đã đề nghị Văn phòng UNESCO tại Việt Nam sớm có văn bản khuyến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện khai quật, khảo cổ học tổng thể, toàn diện khu vực Thành Nội Thành nhà Hồ giai đoạn 2 để cung cấp cái nhìn tổng thể, toàn diện về Di sản đề cử và hoàn thành triệt để cam kết “xây dựng, thực hiện chương trình khai quật, khảo cổ học chiến lược” mà tỉnh Thanh Hóa đã cam kết với UNESCO.
Bên cạnh đó, ngoài Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), Thanh Hóa còn có hang Con Moong (huyện Thạch Thành) đang trong giai đoạn xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Di sản thế giới.
Ngành văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa mong muốn sẽ nhận được sự tư vấn và hỗ trợ từ Văn phòng UNESCO Hà Nội trong việc hướng dẫn cũng như quy trình xây dựng và đề cử hồ sơ đến UNESCO thời gian tới.
Năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi, một số hạng mục công trình thuộc khu vực thành nội di sản thế giới Thành nhà Hồ (nhóm dự án số 3, giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư trên 745 tỷ đồng cho giai đoạn 2022-2025./.
Nguồn: Báo xây dựng