Hà Nội sẵn sàng bước vào năm học mới

 

Mô hình trường học trực tuyến chuẩn quốc gia hạng 1 của trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình. Ảnh: VGP/Hòa An
Mô hình trường học trực tuyến chuẩn quốc gia hạng 1 của trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình. Ảnh: VGP/Hòa An.

“Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học tập”

Chưa từng có tiền lệ, vào ngày khai giảng 5/9 năm nay, hơn 2 triệu học sinh Thủ đô sẽ đón năm học 2021 – 2022 qua lễ khai giảng diễn ra từ 7h30 đến 8h30 tại Trường THCS Trưng Vương và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (kênh truyền hình H1, H2 và kênh phát thanh sóng FM) để tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và Nhân dân trên địa bàn thành phố theo dõi.

Năm học 2020 – 2021, ngành giáo dục Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước với 2.792 trường mầm non, phổ thông các cấp với hơn 2,1 triệu học sinh (trong đó, công lập có 2.206 trường với trên 47.000 lớp) và hơn 159.000 cán bộ, giáo viên.

Bước vào năm học mới 2021 – 2022 trong tình hình dịch Covid – 19 rất phức tạp trên địa bàn Thủ đô, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thủ đô đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón năm học mới với quyết tâm thực hiện nhiệm vụ vừa chống dịch Covid – 19.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm nhất là nỗ lực thực hiện 2 nhiệm vụ, vừa tích cực phòng, chống dịch Covid – 19, vừa triển khai hiệu quả các chương trình giáo dục, bảo đảm chất lượng với các yêu cầu cốt lõi, đặc biệt quan tâm việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Tại lễ phát động phong trào thi đua do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 1/9, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, trước mắt, ngành GD&ĐT Thủ đô tập trung tổ chức lễ khai giảng bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid – 19; tiếp tục rà soát, hỗ trợ cán bộ, giáo viên, học sinh khó khăn, bảo đảm mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau; tiếp tục phát động phong trào “máy tính cho em” để hỗ trợ học sinh về thiết bị học tập trực tuyến.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid – 19. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục cũng như điều kiện thực tế của người học. Tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình…

Xây dựng mô hình trường học trực tuyến

Năm học 2021 – 2022 mở đầu với nhiều khó khăn của ngành GD&ĐT Thủ đô. Tuy nhiên, từ năm học trước, với tinh thần “dừng đến trường nhưng không dừng học tập”, ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai dạy học trên truyền hình, dạy học trên hệ thống học và thi trực tuyến http://study.hanoi.edu… và ở năm học này, ngành tiếp tục xác định học trực tuyến là phương thức khả thi nhất ở thời điểm hiện nay, khi dịch bệnh còn vô cùng phức tạp.

Để xây dựng trường học trực tuyến nhằm tổ chức, quản lý giao bài tập kiểm tra, đánh giá trên hệ thống khi triển khai năm học mới, quận Ba Đình giao Trường THCS Nguyễn Trãi thí điểm “xây dựng mô hình trường học trực tuyến mẫu” để làm điểm, tạo nên công cụ hữu hiệu trong việc dạy và học.

Bà Lê Hoàn Châu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, nhà trường đã thông tin về quá trình xây dựng trường học trực tuyến trên nền tảng Google Classroom đã hoàn thành, mô hình được triển khai qua 8 bước. Mô hình trường học trực tuyến là một hệ thống rất ưu việt trong tình hình hiện tại.

Cũng trên địa bàn quận Ba Đình, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình) đã hoàn tất và vận hành trường học trực tuyến chuẩn quốc gia hạng 1 trên nền tảng quản lý, dạy và học đồng bộ, hiệu quả chỉ trong một ngày. Cô Phạm Thị Hương Giang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tiến độ hoàn thành sớm là do trường đã sớm chuẩn bị bằng việc hướng dẫn học sinh toàn trường lập hộp thư điện tử đồng bộ, thống nhất ở từng lớp, từng khối học và xây dựng mẫu một số Google classroom thí điểm.

Tại quận Cầu Giấy, Phòng GD&ĐT quận đã tập huấn cho toàn bộ giáo viên lớp 2, lớp 6 về sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông 2018, triển khai cụ thể ở từng bộ môn, từng cấp học. Các buổi tập huấn đều được các giáo sư, tiến sĩ là chủ biên, tác giả viết sách trực tiếp tập huấn, truyền tới cán bộ quản lý, giáo viên quan điểm, mạch kiến thức cũng như phương pháp dạy học.

Cùng với cả nước, đây cũng là năm học đầu tiên Hà Nội thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 và lớp 6. Theo đó, các trường học đều ưu tiên mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên cho hai khối lớp học này. Tại quận Cầu Giấy, trong thời gian nghỉ phòng dịch, Phòng GD&ĐT đã tăng cường tổ chức tập huấn bồi dưỡng các nội dung cần thiết phù hợp với tình hình thực tế nhằm bảo đảm cán bộ quản lý, giáo viên vững vàng, tự tin thực hiện nhiệm vụ năm học, như các chuyên đề: tăng cường kỹ năng quản lý lớp học trực tuyến tại các trường mầm non, tiểu học, THCS; tìm hiểu các ứng dụng của phần mềm Zoom trong tổ chức dạy học trực tuyến.

Cấp tiểu học quận Cầu Giấy họp giao ban trực tuyến triển khai học trực tuyến cho học sinh lớp 1 - Ảnh: Caugiay.edu.vn.
Cấp tiểu học quận Cầu Giấy họp giao ban trực tuyến triển khai học trực tuyến cho học sinh lớp 1.Ảnh: Caugiay.edu.vn.

Nhà trường và phụ huynh cùng đồng hành cùng học sinh lớp 1

Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn các nhà trường về nhiệm vụ năm học 2021 – 2022. Riêng đối với học sinh lớp 1, từ ngày 1/9 đến 12/9, giáo viên chủ nhiệm lớp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung thời gian học tập cụ thể (có thể ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ cuối tuần) để phụ huynh đồng hành cùng học sinh trong giai đoạn làm quen với việc học trực tuyến; hướng dẫn theo dõi chương trình “dạy học tiếng Việt” được phát sóng trên kênh VTV7 (từ ngày 6/9/2021). Từ ngày 13/9 đến ngày 30/9, nếu học sinh chưa được trở lại trường, các nhà trường tiến hành giảng dạy chương trình năm học 2021 – 2022.

Đối với học sinh lớp 1, các nhà trường đặc biệt có kế hoạch phối hợp với phụ huynh để cùng làm quen với việc học trực tuyến và các phần mềm ứng dụng trong dạy học cho đến khi học sinh thao tác tốt trên máy, có thể tự học, bên cạnh đó giáo viên cung cấp thêm video, clip liên quan đến kiến thức bài học để phụ huynh có thể kèm con hoặc học sinh có thể xem lại nhằm củng cố kiến thức, nắm vững bài học.

Để triển khai học trực tuyến cho học sinh lớp 1, khối tiểu học quận Cầu Giấy đã triển khai họp giao ban nhằm giải quyết câu chuyện học sinh lớp 1 học trực tuyến như thế nào. Các trường học trên địa bàn đã đưa ra những giải pháp dạy học hiệu quả hợp lý như: triển khai 15 tiết/ tuần, dạy vào buổi tối, tách lớp ra thành nhóm nhỏ, phối hợp và hướng dẫn phụ huynh, học sinh những thao tác, phần mềm sử dụng trong quá trình dạy và học, kết hợp với thiết kế, sưu tầm các video, clip, tiết học trên youtube, truyền hình kênh VTV7 từ ngày 6/9, kho bài giảng VTVgo và cổng thông tin của Bộ GD&ĐT với chuyên mục “cùng em học lớp 1” tư liệu trên hành trang số…

Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy đã đề nghị giáo viên phải cố gắng thay đổi và phát huy tối đa những phương pháp dạy học mà mình đã triển khai trong dạy trực triếp, có kỹ năng, phương pháp dạy học giúp học sinh tương tác với sách giáo khoa, với đồ dùng học tập hay với giáo viên, bạn bè trong quá trình triển học trực tuyến.

 

Xem tại đây./.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích