Công nghệ sinh học giải quyết hiệu quả ô nhiễm môi trường ở Hà Tĩnh
Công nghệ sinh học giải quyết hiệu quả ô nhiễm môi trường ở Hà Tĩnh
Theo dõi MTĐT trên
Những nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong thời gian qua của ngành khoa học và công nghệ Hà Tĩnh đã góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản và xử lý rác thải.
Để tăng gia, phát triển kinh tế, gia đình anh Đào Quang Tiến (thôn 8, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê) đã xây dựng chuồng trại và chăn nuôi lợn với quy mô 15 con/lứa. Anh Tiến chia sẻ, khó nhất trong xử lý chất thải chăn nuôi là mùi hôi.
“Trước đây, chúng tôi dùng nhiều cách như làm hầm biogas, xịt rửa chuồng thường xuyên nhưng mùi hôi vẫn ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Năm 2022, chúng tôi được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh (Trung tâm) hỗ trợ kỹ thuật và chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi khu vực chuồng trại, khu vực bể chứa chất thải lỏng. Đến nay, mô hình không chỉ xử lý ô nhiễm nước thải chăn nuôi mà còn xử lý phân, tạo nguồn phân hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt” – anh Đào Quang Tiến cho biết.
Anh Nguyễn Cao Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh cho biết, một trong những vấn đề bức xúc nhất trong sản xuất nông nghiệp là ô nhiễm chăn nuôi. Tuy nhiên, với việc sử dụng các chế phẩm sinh học, việc xử lý chất thải chăn nuôi hiện nay khá đơn giản.
Người dân chỉ cần sử dụng chế phẩm Hatimic phối trộn cùng một số phụ gia khác (thường là rỉ mật) và tưới lên nền chuồng trại, các enzim và vi sinh vật sẽ xử lý chất thải, khử mùi hôi thối. Do là công nghệ sinh học nên các chế phẩm hoàn toàn thân thiện và an toàn với người sử dụng.
Theo thống kê, tính từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã cung ứng ra thị trường xấp xỉ 1 triệu gói chế phẩm Hatimic cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình trên toàn tỉnh để giúp người dân thu gom, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm trồng trọt và rác thải sinh hoạt làm phân bón và xử lý mùi hôi chuồng trại.
Bình quân mỗi năm, các chế phẩm giúp người dân Hà Tĩnh tạo ra xấp xỉ 70.000 tấn phân bón. Từ 2015 đến nay, việc làm này tiết kiệm gần 300 tỷ đồng tiền mua phân bón và xử lý mùi hôi cho hàng ngàn hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Bên cạnh chế phẩm Hatimic được ứng dụng vào sản xuất phân bón, chế phẩm Hatibio cũng đã được ứng dụng để xử lý môi trường hiệu quả tại Hà Tĩnh. Theo đó, Nhà máy xử lý rác Phú Hà (Kỳ Tân, Kỳ Anh), bãi tập kết rác thải (Đức Thọ, Hương Sơn, Can Lộc…) và trên 5.000 trang trại, hộ chăn nuôi đã sử dụng chế phẩm để xử lý mùi hôi từ rác thải sinh hoạt, công trình chăn nuôi, nước thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt hiệu quả.
Hiện nay, Trung tâm đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất chế phẩm sinh học với hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại; làm chủ công nghệ sản xuất từ khâu phân lập giống gốc và đã sản xuất thành công hơn 10 chế phẩm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xử lý môi trường.
Trong đó, nhóm chế phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt có các chế phẩm: Hatimic (xử lý mùi hôi, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón), Bio-Ra (xử lý gốc rạ tại ruộng); Hatibio, Hatimic-CN (xử lý môi trường chăn nuôi, rác thải sinh hoạt)… Ngoài ra, Trung tâm cũng nghiên cứu và sản xuất thành công các nhóm chế phẩm dùng trong nuôi trồng thủy sản, xử lý môi trường làng nghề, bảo vệ thực vật trong trồng trọt…
Bà Trần Thị Thúy Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển giao, phổ biến các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, hướng dẫn quy trình sản xuất cho người dân trên địa bàn.
Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ sinh học, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành và địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn người dân ứng dụng các chế phẩm sinh học vào xử lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và xử lý các phế phẩm trồng trọt như: rơm rạ, phế thải hữu cơ, chất thải chăn nuôi, chất thải chế biến nông, lâm, thủy sản… để tạo ra nguồn phân bón hữu cơ, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Hiện tại, Trung tâm đủ năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh, tạo điều kiện cho các sản phẩm khoa học công nghệ được gắn với thực tiễn sản xuất tại địa phương”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị