Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/1/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/1/2023

MTĐT –  Chủ nhật, 08/01/2023 14:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/1/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/1/2023.

Tết Nguyên đán có khả năng thời tiết sẽ không quá rét

Dự báo các đợt không khí lạnh hoạt động yếu hơn so với tháng 12/2022, khoảng thời gian từ nay đến Tết ông Công, ông Táo, trời miền Bắc nhiều ngày nắng và ấm hẳn lên, nhiệt độ có ngày lên đến 27-28 độ C và rét chỉ xảy ra về đêm và sáng sớm.

Sau đó, trong những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão, trời cũng không quá rét. Rét đậm, rét hại chỉ xảy ra ở vùng núi. Nền nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ khoảng 16-18 độ C, Bắc Trung Bộ từ 18-20 độ C.

Miền Trung, khu vực Quảng Bình đến Bình Thuận từ nay đến Tết Nguyên Đán sẽ có số ngày mưa nhiều hơn trung bình mọi năm nhưng tác động của không khí lạnh không mạnh nên ít có khả năng mưa lớn diện rộng mà đa phần mưa rào lượng nhỏ.

Thời tiết Nam Bộ trong những ngày Tết khả năng sẽ có mưa trái mùa về chiều tối, ban ngày vẫn có nắng, không nóng. Nhiệt độ trong khoảng 29-31 độ C, đêm về sáng sớm se lạnh.

Nhiều tỉnh lên phương án khắc phục tình trạng triều cường xâm thực

TTXVN thông tin, địa phương có thiệt hại nhiều là tại khu dân cư thuộc thôn Mỹ Quang Nam với 10 hộ dân bị ảnh hưởng. Sáng 7-1, các đơn vị tại chỗ và lực lượng cơ động đã hỗ trợ người dân đắp đê bao cát, chằng chống các điểm sạt lở. Địa phương cũng kiến nghị xây dựng kè chắn sóng ở các xã ven biển.

Vào tháng 11-2022, UBND huyện Tuy An từng kiến nghị chính quyền tỉnh đầu tư xây dựng 983 m kè cho thôn Mỹ Quang Nam và Mỹ Quang Bắc và xây dựng 120 m kè ở thôn Giai Sơn.

Những ngày qua, nhiều địa phương ở Khánh Hòa, Sóc Trăng cũng có nhiều tuyến đường, nhà ở ven biển bị ảnh hưởng do mưa lớn, triều cường dâng cao.

tm-img-alt
Một góc khu dân cư bị triều cường xâm thực ở thôn Mỹ Quang Nam (Phú Yên). Ảnh: TTXVN

Ở tỉnh Khánh Hòa, ngày 5/1, UBND tỉnh cho biết đã có văn bản phản hồi gửi UBND thành phố Khánh Hòa về việc chính quyền địa phương đề nghị thực hiện các nội dung phòng tránh sạt lở tuyến bờ kè quanh cồn Nhất Trí (phường Vĩnh Phước, Nha Trang).

Theo UBND phường Vĩnh Phước, địa phương có 11 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sóng lớn, triều cường và gió mạnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND thành phố Nha Trang gia cố đoạn xâm nhập mặn sát nhà dân, đồng thời, nghiên cứu, đề xuất về dự án xây kè quanh khu vực cồn Nhất Trí.

Tại thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), tuyến đường K41 có nhiều điểm sạt lở khoảng vài chục mét và đoạn cuối tuyến K43 sạt lở khoảng 50 m. Sóng biển và hiện tượng bồi cát làm hư hại cây rừng tại khu vực này gây ra tình trạng sạt lở khi có sóng lớn, gió lớn.

Địa phương đang thực hiện gia cố bằng cừ các đoạn đê biển bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Phòng Kinh tế hạ tầng thị xã Vĩnh Châu đề nghị đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thành công tác tu sửa, phòng chống sạt lở.

Quản lý chặt hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông

Tin tức trên Báo Nhân dân, theo Quyết định số 740/QÐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, trong các đợt điều tiết nước phục vụ gieo cấy lúa đông xuân khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội phải được giữ thấp nhất đạt +2,2m để bảo đảm các hệ thống thủy lợi lấy được nước thuận lợi.

Tuy nhiên, do biến động hạ thấp mực nước sông, khoảng 5 năm gần đây, các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn đã vận hành hết công suất phát điện nhưng mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội không duy trì đạt 2,2m như yêu cầu, dẫn đến nhiều cống lấy nước từ các sông đã không còn tác dụng, mà phải dùng đến các trạm bơm. Cũng do mực nước sông hạ thấp nên lượng nước cần xả từ hồ chứa để phục vụ gieo cấy vụ đông xuân những năm gần đây đều rất lớn (khoảng 5 tỷ m3) chiếm khoảng 30% dung tích hữu ích của các hồ chứa.

Từ số liệu quan trắc về địa hình lòng dẫn các sông vùng hạ du sông Hồng-sông Thái Bình cho thấy, nhiều sông chính đã bị xói mạnh trong khoảng gần 20 năm trở lại đây.

tm-img-alt
Một bến cát không phép hoạt động nhiều năm tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ. (Ảnh: Việt Linh)

Cụ thể, sông Hồng, đoạn từ Sơn Tây đến Hà Nội hiện tượng xói chiếm xu thế chủ đạo, mức độ xói khá lớn, có mặt cắt lên đến 20%-25%. Tại mặt cắt Sơn Tây, từ năm 2001 đến 2009, đáy sông Hồng hạ thấp khoảng 2m. Trên sông Ðuống, từ ngã ba Hồng-Ðuống đến Phả Lại, với chiều dài 56km, có 31 mặt cắt, được đo đạc trong 3 năm: 2000, 2006 và 2013, kết quả cho thấy, toàn bộ sông Ðuống bị xói mạnh và liên tục, so với năm 2000 cao độ trung bình đáy sông vào năm 2013 bị hạ thấp 3,27m…

Như vậy có thể thấy, mặc dù dòng chảy mùa kiệt trên hệ thống sông Hồng được bổ sung nhờ sự điều tiết của các hồ chứa lớn ở thượng du, nhưng mực nước trên hệ thống sông Hồng nói chung và tại Sơn Tây nói riêng liên tục giảm từ năm 2000 trở lại đây. Mực nước tại Sơn Tây đã giảm đến mức nghiêm trọng, làm cho nhiều công trình thủy lợi trên các sông đoạn thượng du trạm thủy văn Hà Nội không thể hoạt động, kể cả trong trường hợp các hồ chứa ở thượng du đã xả nước hết công suất. Nhiều địa phương thời gian qua đã phải tăng cường rất nhiều nguồn lực để lắp thêm các trạm bơm lưu động mới có thể lấy được nước.

Hiện tượng hạ thấp đáy của các sông trên hệ thống sông Hồng-sông Thái Bình ngoài nguyên nhân mất cân bằng bùn cát do tác động của các hồ chứa, còn do nạn khai thác cát quá mức trên sông.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích