9 thành tựu nổi bật của ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê
Với phương châm hành động năm 2022 là “Phục hồi hiệu quả – Phát triển bền vững”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xác định tâm thế và sẵn sàng các điều kiện nền tảng để triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, quyết liệt cụ thể hóa tinh thần của Đại hội thành các chính sách đi vào thực tiễn đời sống xã hội. Trong thành công của tiến trình đó, năm 2022 đánh dấu 9 thành tựu nổi bật của ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2023, thống nhất tinh thần “Tự hào với lịch sử càng cao thì trách nhiệm với hiện tại và tương lai càng lớn”, thông điệp của Bộ là “Người dân là trọng tâm của phát triển, mọi chính sách phải hướng tới hạnh phúc người dân”. |
Chủ động nghiên cứu, tham mưu hoạch định chiến lược
Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch, kế hoạch đầu tư công quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, hoàn thành một khối lượng lớn công việc trong năm 2022.
Nhiều đề án, chương trình quan trọng, nhiều kế hoạch, hành động cụ thể, cấp bách, có tính dẫn đường đã được Bộ KH&ĐT tham mưu xây dựng và ban hành, nổi bật là bản Quy hoạch tổng thể quốc gia – một sản phẩm kết tinh trí tuệ tập thể, kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học và thực tiễn, là cơ hội chủ động kiến tạo phát triển và tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững; từ đó góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong phát triển đất nước, tạo ra những bước tiến mới trong từng chặng đường đổi mới và phát triển.
Kiến tạo đột phá cho phát triển quốc gia
Năm 2022 là năm Chính phủ ghi nhận thành tựu trong việc triển khai các Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại 6 vùng kinh tế-xã hội. Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao chủ trì tổng kết và xây dựng 02 Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và phát triển vùng Đông Nam Bộ; xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình hành động tại 6 vùng kinh tế-xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, xã hội và người dân.
Điểm nhấn của cách làm là các hội nghị được tổ chức theo hình thức mới “Hiệu quả ba trong một”. Đó là: Thứ nhất, minh bạch hóa với người dân Chương trình hành động của Chính phủ; thứ hai, tổ chức xúc tiến đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế; thứ ba, thể hiện giá trị văn hóa thông qua triển lãm ảnh và sản phẩm địa phương.
Liên tục đổi mới tư duy
Bộ KH&ĐT đề cao tinh thần chủ động nghiên cứu kết hợp với học hỏi kinh nghiệm trong nước, quốc tế để đổi mới cách nghĩ, cách làm khi tham mưu, luôn hướng tới mục tiêu tạo đột phá trong cải cách thể chế, tạo động lực phát triển, chuyển mạnh tư duy quản lý sang tập trung xây dựng định hướng phát triển quốc gia ở tầm vĩ mô; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tiếp tục đề xuất những điều chỉnh mang tính linh hoạt tạo đột phá trong các dự án Luật như Luật đấu thầu sửa đổi, Luật Hợp tác xã sửa đổi.
Là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ KH&ĐT thực hiện có trách nhiệm và nghiêm túc đánh giá, xem xét tính khả thi của các chương trình, dự án trọng điểm, tạo cú hích về tăng trưởng nền kinh tế. Năm 2022 nổi bật với việc phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch 05 vùng; tổ chức hoàn thành thẩm định 21 quy hoạch tỉnh.
Được giao nhiều Đề án quan trọng mang tầm quốc gia, Bộ đã chủ động tìm kiếm, nghiên cứu các mô hình mới để tham mưu cho Đảng, Nhà nước những văn kiện quan trọng của đất nước, bảo đảm chất lượng, được đánh giá cao như Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Đề án Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021-2030 thực hiện đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước; Đề án Định hướng thu hút quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025; Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050.
Nhờ đó, Việt Nam luôn là điểm sáng thu hút các dòng vốn quốc tế dựa trên triết lý của Thủ tướng Chính phủ “Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá”.
Đổi mới sáng tạo là động lực
Bộ Kế hoạch và Đầu tư không ngừng chủ động nghiên cứu, xây dựng, triển khai các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ… với tinh thần xuyên suốt là đổi mới, sáng tạo là trọng tâm của mọi đề xuất chính sách.
Năm 2022 với nhiều sự kiện về đổi mới sáng tạo, thu hút sự quan tâm của đông đảo của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác trong nước và quốc tế như: Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2022 (Vietnam Ventures Summit); Công bố Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN), Chương trình “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022” (Vietnam Innovation Challenge). Bộ KH&ĐT tiên phong thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia thông qua việc ra mắt Mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam, lập 8 văn phòng Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ở nước ngoài với hàng nghìn chuyên gia tư vấn toàn cầu.
Cùng với đó, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể “đuổi kịp, bắt kịp và vươn lên”, góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới và là minh chứng cho nỗ lực của Bộ KH&ĐT trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Hiến kế tạo bứt phá
Bộ KH&ĐT chủ động nghiên cứu, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính hiến kế tạo bứt phá, cải cách trong quản lý nhà nước về đầu tư, đầu tư công; thu hút đầu tư nước ngoài, vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đầu tư toàn xã hội; phát triển doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh… góp phần khơi thông các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Các hiến kế đúng thời điểm tham mưu cho Chính phủ góp phần tăng hiệu quả của nền hành chính công vụ thông qua việc chủ trì và tham gia các Tổ công tác đặc biệt do Chính phủ thành lập về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hay các quyết sách để đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác thông qua xây dựng Nghị quyết số 20 ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với các địa phương Khánh Hòa, Cần Thơ, Buôn Ma Thuột được Quốc hội thông qua là những dấu ấn nổi bật trong nỗ lực tạo cực tăng trưởng quốc gia.
Đổi mới hoạt động quản lý doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bộ chủ động và phát huy vai trò cơ quan đầu mối của Việt Nam trong Nhóm công tác doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN, APEC và UNCITRAL; chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Nghị quyết và Luật Hợp tác xã và Diễn đàn Kinh tế hợp tác hợp tác xã năm 2022.
Tiên phong hành động
Trước tác động nghiêm trọng của 2 năm đại dịch COVID-19, năm 2022, Bộ KH&ĐT đã nhanh chóng, chủ động, bám sát diễn biến tình hình, ngay từ đầu năm đã xây dựng các kịch bản điều hành nền kinh tế, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời, hiệu quả các quyết sách đó.
Nhờ vậy, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là một trong số ít các quốc gia đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng, thể hiện sự hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong 12 năm qua.
Đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia
Được Chính phủ giao vận hành Trung tâm điều hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, đó là cơ sở dữ liệu quốc gia đầu tư công, mua sắm công, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, thống kê, quy hoạch … các hệ thống này được tích hợp và không ngừng được hoàn thiện trong năm 2022 tăng cường công khai, minh bạch thông tin, giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Cơ sở dữ liệu này làm nền tảng dữ liệu quan trọng cho các Chương trình mà Bộ KH&ĐT chủ trì như Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025.
Con số thống kê biết nói
Ngành thống kê thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê, thể hiện rõ “con số biết nói” thông qua việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045. Công tác thống kê Nhà nước bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất cho quản lý, điều hành của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và địa phương thông qua báo cáo tình hình kinh tế-xã hội; các báo cáo chuyên đề; các kịch bản tăng trưởng kinh tế; kịch bản điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu.
Số liệu thống kê đã được sử dụng thống nhất trong việc đánh giá, tổng kết, dự báo các Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm ở Trung ương và địa phương. Số liệu thống kê cũng được sử dụng trong lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh và từng địa phương.
Người dân là trọng tâm của phát triển
Là cơ quan tổng tham mưu về phát triển kinh tế-xã hội, không chỉ trụ cột kinh tế được ưu tiên trọng yếu trong công tác hoạch định chính sách mà Bộ KH&ĐT quan tâm sâu sắc đến các vấn đề xã hội, vì sự phát triển cộng đồng. Dấu ấn nổi bật của năm 2022 là Chương trình Tự hào Việt Nam & Yêu thương Việt Nam.
Bộ KH&ĐT đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ; trong đó, rất nhiều việc khó, việc lớn, việc quan trọng; đồng thời Bộ luôn ý thức được tính nhân văn trong các hành động, trong công tác tham mưu thể hiện ở những hành động từ thiện, thiện nguyện, tri ân nhân các dịp Lễ kỷ niệm lớn, về nguồn, ủng hộ người khó khăn, bảo trợ người neo đơn, xóa nhà tạm.
Bộ chủ trương lồng ghép phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc 53 dân tộc thông qua các cuộc triển lãm ảnh cấp quốc gia, triển lãm các mô hình sản phẩm địa phương tiêu biểu hay các chương trình âm nhạc nghệ thuật.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của nhân dân, toàn ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê nguyện cống hiến hết sức mình, phát huy mạnh mẽ truyền thống 77 năm thành lập và phát triển, không ngừng rèn luyện bản lĩnh, nghị lực, đạo đức, trí tuệ, tri ân lịch sử, chủ động tương lai, đóng góp ngày càng lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lấy phương châm “chất lượng và hiệu quả là mục tiêu và thước đo cao nhất” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
Bước vào năm 2023, thống nhất tinh thần “Tự hào với lịch sử càng cao thì trách nhiệm với hiện tại và tương lai càng lớn”, thông điệp “Người dân là trọng tâm của phát triển, mọi chính sách phải hướng tới hạnh phúc người dân” xuyên suốt trong mọi hoạt động tham mưu, hoạt định chính sách của ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê./.
Nguồn: Báo xây dựng