Phát hiện mới: Đường trong sữa mẹ giúp ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, vi khuẩn Streptococcus nhóm B (GBS) là nguyên nhân phổ biến của nhiễm trùng máu, viêm màng não và gây thai chết lưu ở trẻ sơ sinh. Khoảng 2.000 trẻ sơ sinh nước này bị GBS mỗi năm. Có 4 – 6% trong số đó chết vì căn bệnh. Vi khuẩn này thường được truyền từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.

Nhiễm trùng GBS thường có thể được điều trị hoặc ngăn ngừa bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, vi khuẩn ngày càng có khả năng kháng thuốc.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu phát hiện, các oligosaccharide trong sữa mẹ (HMO) có thể giúp ngừa nhiễm trùng GBS ở các tế bào và mô của con người cũng như chuột. HMO là các chuỗi phân tử đường ngắn có nhiều trong sữa mẹ. Theo nhóm nghiên cứu, một ngày nào đó, HMO có thể thay thế thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh và người lớn.

Một sản phụ có kết quả xét nghiệm GBS dương tính thường được tiêm kháng sinh qua đường tĩnh mạch trong quá trình chuyển dạ. Phương pháp này giúp ngăn nhiễm trùng khởi phát sớm.

Song, điều thú vị là tỷ lệ nhiễm trùng khởi phát muộn (xảy ra từ 1 – 3 tháng sau khi sinh) ở trẻ bú sữa công thức cao hơn so với trẻ bú sữa mẹ. Điều này cho thấy, các yếu tố trong sữa mẹ có thể giúp bảo vệ chống lại GBS. Nếu vậy, đường có thể thay thế thuốc kháng sinh.

 Đường trong sữa mẹ có khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng. Ảnh minh họa

Các nhà khoa học đã nghiên cứu ảnh hưởng của HMO kết hợp từ một số bà mẹ đối với sự lây nhiễm GBS của các tế bào miễn dịch nhau thai và của màng thai. “Chúng tôi phát hiện, HMO có thể ức chế hoàn toàn sự phát triển của vi khuẩn. Vì vậy, chúng tôi chuyển sang nghiên cứu mô hình chuột. Ở 5 bộ phận khác nhau của đường sinh sản, chúng tôi thấy tỷ lệ nhiễm GBS giảm đáng kể khi điều trị bằng HMO”, nhà nghiên cứu Rebecca Moore cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã thiết lập một hệ vi sinh vật nhân tạo. Các vi sinh vật được ngăn cách bởi một chiếc màng. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã thêm vào galacto-oligosaccharides (GOS), có nguồn gốc từ thực vật. Khi không có đường, GBS ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn “tốt”, nhưng GOS đã giúp loài có lợi này phát triển.

“Chúng tôi kết luận rằng, GBS đang tạo ra axit lactic ức chế sự phát triển. Sau đó, khi chúng tôi thêm oligosaccharide, các loài có lợi có thể sử dụng nó như một nguồn thức ăn để vượt qua sự ức chế này”, bà Moore giải thích.

Các nhà nghiên cứu cho biết lý do HMO có thể điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng GBS gấp hai lần. Cụ thể, chúng hoạt động như một chất chống kết dính bằng cách ngăn chặn mầm bệnh bám vào bề mặt mô. Từ đó, hình thành một màng sinh học. Chúng có thể hoạt động như một prebiotic (lợi khuẩn) bằng cách hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn tốt.

Theo nhóm nghiên cứu, HMO đã tồn tại lâu tương tự con người. Tuy nhiên, nhiều khả năng là chúng tồn tại nhiều trong sữa và liên tục thay đổi trong quá trình phát triển của trẻ.

“Nếu có thể tìm hiểu thêm về cách chúng hoạt động, chúng ta có thể điều trị các loại nhiễm trùng khác nhau bằng hỗn hợp HMO. Có thể, một ngày nào đó, chất này có thể thay thế cho thuốc kháng sinh ở người lớn cũng như trẻ sơ sinh”, nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Nói tới sữa mẹ, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, năng lượng, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng được suy dinh dưỡng.

Sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và viêm đường hô hấp. Do tác dụng kháng khuẩn của sữa mẹ nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh. Trẻ bú mẹ ít bị dị ứng, chàm/eczema.

Sữa mẹ chứa các tế bào bạch cầu (lympho bào, đại thực bào), globulin miễn dịch (IgA, IgG, IgM), một số yếu tố kích thích sự phát triển của vi khuẩn Lactobacillus Bifidus (Lactose, Oligosaccharid, yếu tố Bifidus), giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp, viêm tai, viêm màng não và nhiễm khuẩn tiết niệu.

Sữa mẹ cũng chứa những kháng thể chống các bệnh nhiễm khuẩn mà bà mẹ từng mắc. Khi bà mẹ bị nhiễm khuẩn, (1) các tế bào bạch cầu hoạt động và sản xuất kháng thể để bảo vệ người mẹ, (2) một số tế bào bạch cầu đi tới vú và sản xuất kháng thể tại đó, (3) các kháng thể này được tiết vào sữa để bảo vệ trẻ chống nhiễm khuẩn. Vì vậy khi mẹ bị bệnh nhiễm khuẩn thì vẫn có thể cho con bú, không nên cách ly mẹ và con.

Nhiều nghiên cứu ở các nước phát triển đã chứng minh tỷ lệ mắc tiêu chảy, hô hấp, viêm tai giữa và dị ứng,… ở trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 7 tháng đầu thấp hơn trẻ nuôi hỗn hợp.

Nhận thức được tầm quan trọng trên nên hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đều khuyến nghị cần cho trẻ sơ sinh bú mẹ sớm. Cũng theo Ts.Bs Nguyễn Công Nghĩa, nguyên trưởng khoa sản phụ khoa Vinmec Times City: ’’Trong 6 tháng đầu, chỉ cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ mà không cần ăn uống gì thêm. Từ tháng thứ 7 bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung đồng thời cho bú càng nhiều càng tốt. Nên cho trẻ bú kéo dài tới 24 tháng hoặc lâu hơn, không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng tuổi.”

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích