Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 3/1/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 3/1/2023

MTĐT –  Thứ ba, 03/01/2023 16:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 3/1/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 3/1/2023.

Canada cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại các nhà hàng

Khách hàng có thể nhận thấy hộp đựng thức ăn, ống hút và các dụng cụ khác bằng nhựa được dần thay thế bằng các lựa chọn thân thiện với môi trường hơn trong năm 2023, khi ngành dịch vụ ăn uống của Canada điều chỉnh theo từng giai đoạn của luật liên bang nhằm loại bỏ hoàn toàn nhiều sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Một số nhà hàng ở Canada đã trải qua nhiều tháng thử nghiệm, nghiên cứu giải pháp thay thế tốt nhất cho các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Ông Paul Bognar, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của hệ thống Service Inspired Restaurants (quản lý nhiều nhà hàng, trong đó có Jack Astor’s và Scaddabush), cho biết mặc dù sản phẩm nhựa sử dụng một lần vẫn chưa bị cấm hoàn toàn, nhưng các nhà hàng thuộc Service Inspired Restaurants đã sẵn sàng nói không với các sản phẩm nhựa từ đầu năm mới 2023

Service Inspired Restaurants gần đây đã chuyển sang sử dụng dao nĩa bằng tre và hộp đựng đồ ăn bằng bìa cứng có thể tái chế và phân hủy sinh học.

Gần đây, nhà hàng Tim Hortons thông báo trong năm nay sẽ tung ra các loại nắp đậy đồ uống nóng bằng sợi có thể tái chế, dao kéo có thể phân hủy…

Trong khi đó, McDonald’ đã loại bỏ một số sản phẩm nhựa sử dụng một lần khỏi các nhà hàng của mình từ cuối năm 2021, bao gồm ống hút, dao kéo và que khuấy.

>>> Xem thêm tại đây

Campuchia: Thành lập khu bảo tồn cá heo quý hiếm trên sông Mekong

Theo hãng tin AFP đưa tin, ngày 2/1, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ra lệnh thành lập các khu bảo tồn trên sông Mekong nhằm bảo vệ loài cá heo nước ngọt Irrawaddy, sau khi 3 con bị chết do mắc vào lưới đánh cá vào tháng trước.

Phát biểu tại một buổi lễ ở tỉnh Kratie, đông bắc Campuchia, Thủ tướng Hun Sen ra lệnh cho các cơ quan chức năng thiết lập biển báo nổi xung quanh các khu vực bảo tồn và có “lệnh cấm tuyệt đối” đối với mọi hoạt động đánh bắt cá.

Ông Hun Sen nói: “Sông Mekong, nơi sinh sống của cá heo nước ngọt Irrawaddy và các loài cá sắp tuyệt chủng khác, phải được quản lý tốt để cá heo không phải chết vì vướng vào lưới rê. (Lưới rê là những tấm lưới được giăng khắp các đoạn sông để bẫy cá). Các khu vực có cá heo phải được bảo vệ hoàn toàn” – ông nói và khẳng định sự hiện diện của loài vật này đã góp phần phát triển ngành du lịch của địa phương.

Cá heo Irrawaddy (tên khoa học: Orcaella brevirostris) ở Việt Nam còn được gọi là cá nược, nổi tiếng với trán phồng và mỏ ngắn, từng hiện diện ở rất nhiều khu vực trên sông Mekong. Song trong những thập kỷ gần đây, chúng hầu như chỉ xuất hiện trên đoạn sông dài khoảng 190 km từ tỉnh Kratie phía đông bắc Campuchia đến biên giới giữa nước này với Lào.

Số lượng cá thể cũng đã giảm dần kể từ cuộc điều tra đầu tiên được thực hiện vào năm 1997, từ 200 con theo thống kê năm đó nay chỉ còn khoảng 90 con, do việc mất môi trường sống và các hoạt động đánh bắt hủy diệt.

Hà Nội sẽ tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản 6 mỏ cát

Việc đấu giá được chia thành hai đợt với tổng số tiền thu được dự kiến là hơn 106 tỷ đồng.

Theo đó, đợt 1, sẽ cho đấu giá từ quý I đến hết quý II, gồm 3 điểm mỏ cát gồm: Mỏ Liên Mạc (Thượng Cát) phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, có ranh giới mỏ cát nằm toàn bộ trên địa bàn phường Liên Mạc, diện tích 157.300 m2, coste khai thác +1 m, trữ lượng cấp 508.603 m3; mỏ Tây Đằng – Minh Châu (thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, xã Chu Minh, huyện Ba Vì) có diện tích 815.306 m2, coste khai thác +4 m, trữ lượng cấp khoảng 4.899.000 m3; mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) có diện tích 169.300 m2, coste khai thác +1 m, trữ lượng cấp gần 704.000 m3.

Đợt 2 từ quý III đến hết quý IV sẽ đấu giá 2 điểm mỏ cát (gồm 3 mỏ cát) gồm: mỏ Cổ Đô 1 và Cổ Đô 2 (xã Cổ Đô, xã Phú Cường) diện tích 1.560 m2, coste khai thác +4 m, trữ lượng cấp khoảng 7.770 m3; mỏ Thanh Chiếu (xã Phú Cường, huyện Ba Vì) có diện tích 338.800 m2, coste khai thác +1 m, trữ lượng cấp khoảng 2.490 m3.

Nếu hết 2023 mà việc đấu giá chưa xong, các khu vực mỏ còn lại sẽ được chuyển sang đấu giá trong thời gian tiếp theo.

Hình thức đấu giá theo phương thức trả giá lên với số tiền đặt trước bằng 15% giá khởi điểm.

Thời gian khai thác trong năm của các mỏ cát này là vào mùa cạn từ ngày 16/10 đến 14/6 năm sau, không khai thác vào mùa lũ từ 15/6 đến 15/10 hàng năm.

Nghệ An: Tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây” Xuân Quý Mão năm 2023 đảm bảo thiết thực, thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng và diện tích rừng trồng hiện có.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-UBND về việc tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2023.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã trở thành phong tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khởi đầu cho mọi hoạt động bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

tm-img-alt

Nghệ An: Tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão (Ảnh minh họa. Nguồn: internet).

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, đẩy mạnh công tác trồng rừng thâm canh, trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản; tiếp tục triển khai có hiệu quả pháp luật về Lâm nghiệp, đấu tranh, truy quét, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp.

>>> Xem thêm tại đây

Quảng Ngãi: Triển khai phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh bằng hành động cụ thể tổ chức phát động trồng cây xanh hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Các địa điểm được lựa chọn để trồng cây xanh cần đáp ứng việc tạo bóng mát, tạo mỹ quan, góp phần bảo vệ môi trường “xanh, sạch, đẹp”, thích ứng với biến đổi khí hậu; chăm sóc, quản lý cây trồng bảo đảm tỷ lệ cây sống cao và phát triển tốt. Ưu tiên lựa chọn các loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, cây giống chất lượng tốt, các loài cây bản địa, nguy cấp, quý hiếm.

tm-img-alt
Tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 20% so với kết quả thực hiện năm 2022. Ảnh minh họa

Trong đó, lưu ý việc trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, trở thành nét đẹp văn hóa, phấn đấu chỉ tiêu trồng cây xanh của tỉnh cao hơn 20% so với kết quả thực hiện năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Đồng thời, chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch phát động “Tết trồng cây và Chương trình gây Quỹ trồng cây xanh cấp tỉnh năm 2023” tại Khu lưu niệm thuộc Khu Chiến tích Ba Gia xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh.

Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi tiếp tục huy động đoàn viên triển khai chăm sóc cây xanh đã trồng theo Chương trình Triệu cây xanh – vì một Việt Nam xanh; đồng thời, phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhằm lan tỏa phong trào trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh.

>>> Xem thêm tại đây

T.Anh

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích