Dự án SATREPS giải quyết an ninh tài nguyên nước
(Xây dựng) – Dự án SATREPS đã triển khai từ năm 2018 với sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trường Đại Học Xây Dựng Hà Nội (HUCE) và Đại Học Saitama (SU) là các tổ chức thực hiện chính của dự án kéo dài 5 năm nay.
PGS.TS Phạm Duy Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội luôn đặt tâm huyết vào dự án. |
SATREPS là dự án nghiên cứu trọng điểm trong khuôn khổ đối tác nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững. Mục tiêu là phát triển và ứng dụng công nghệ, nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu và nâng cao năng lực cho các đơn vị nghiên cứu của Nhật Bản và các quốc gia đối tác.
Dự án do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học công nghệ Nhật Bản (JST) cùng phối hợp tài trợ. Đây là dự án nghiên cứu có quy mô lớn nhất dưới khuôn khổ tài trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản cho các nghiên cứu có tính toàn cầu.
Mục tiêu của dự án bao gồm: Nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý nước bằng màng lọc nano tiên tiến, có mức độ tiêu thụ năng lượng và hóa chất thấp. Hệ thống quan trắc chất lượng nước online hiệu quả, đảm bảo cấp nước an toàn. Qua đó, nhằm giải quyết được thách thức về các chất ô nhiễm mới. Hướng đến việc cấp nước an toàn và bền vững, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện.
Nhiều hoạt động được thực hiện tại Việt Nam
Trong những năm qua nhiều hoạt động đã được thực hiện tại Việt Nam một cách có hiệu quả. Điển hình như việc xây dựng hướng dẫn quản lý phế thải xây dựng (PTXD) thân thiện với môi trường.
Dự án tập trung thực hiện khảo sát và nghiên cứu tình hình thực tế tại TP Đà Nẵng, đồng thời xin hỗ trợ từ các bên liên quan. Hội thảo “Đánh giá công tác triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn TP Đà Nẵng phục vụ mục tiêu quản lý chất thải bền vững” đã được tổ chức. Tại sự kiện này, “Báo cáo JSTJICA SATREPS về quản lý phế thải xây dựng và phá dỡ” được bàn giao lại cho Sở TN&MT Đà Nẵng.
Nghiên cứu về các tính chất cơ học của vật liệu tái chế từ PTXD tại Việt Nam đã được thực hiện. Phát triển công nghệ mới nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và xây dựng hạ tầng từ vật liệu tái chế ở Việt Nam. Nhiều thí nghiệm và nghiên cứu về xử lý nước thải, đặc tính vận chuyển khí của vật liệu tái chế và hệ thống mặt đường đã được Việt Nam và Nhật Bản thực hiện. Kết quả sau đó được công bố trong các bài báo có phản biện đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế.
Đề xuất mô hình kinh doanh chiến lược cho việc tái chế PTXD và biện pháp quảng bá hiệu quả cho việc quản lý và tái chế PTXD thân thiện với môi trường.
Dự án tiếp cận cộng đồng hiệu quả
Dự án đã thực hiện nhiều hợp tác kỹ thuật và tư vấn. Quá trình phân loại và tái chế CDW tại chỗ được dựng thành phim tài liệu ngắn. Video là một phương pháp tuyệt vời để người xem dễ hình dung, dễ hiểu, cũng như để quảng bá các hoạt động và mục tiêu có ý nghĩa của dự án SATREPS. Đồng thời triển khai biên bản ghi nhớ giữa SATREPS và Đà Nẵng. Phối hợp với Sở TN&MT Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Đánh giá công tác triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn TP Đà Nẵng phục vụ mục tiêu quản lý chất thải bền vững”. Tại Hội thảo này, các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã trình bày nhiều chuyên đề liên quan đến kinh nghiệm quản lý và xử lý chất thải rắn. Chiến lược xây dựng triển khai mô hình quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng tại TP Đà Nẵng đến năm 2025 cũng được chia sẻ.
Lễ ký kết Biên bản làm việc (M/M) về dự án SATREPS “Phát triển hệ thống cấp nước thích ứng với nguồn nước ô nhiễm” giữa Đại học Xây dựng Hà Nội và các đối tác. |
Ngoài ra, thi công thí điểm đường bê tông thấm nước tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và tại khu công nghiệp Deep – C trong khuôn khổ dự án hợp tác với Bộ Môi trường Nhật Bản. Trong khuôn khổ dự án SATREPS, dự án hợp tác giữa Đại học Xây dựng Hà Nội và Công ty Ecosystem Nhật Bản do Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ, các sản phẩm bê tông tái chế từ PTXD đã được nghiên cứu và thí điểm tại khuôn viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và khu công nghiệp Deep – C, Hải Phòng. Dự báo công nghệ bê tông này sẽ được ứng dụng rộng rãi trong thiết kế đô thị với mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và mở ra thị trường mới cho lĩnh vực xây dựng.
Vừa qua, trong buổi lễ ký kết Biên bản làm việc (M/M) về dự án SATREPS “Phát triển hệ thống cấp nước thích ứng với nguồn nước ô nhiễm” giữa Đại học Xây dựng Hà Nội và các đối tác PGS.TS Phạm Duy Hòa cho biết: Chương trình Hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ vì sự phát triển bền vững (SATREPS) của Chính phủ Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu quốc tế về các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển – nơi các vấn đề này đang cấp thiết hơn bao giờ hết – trong đó có Việt Nam. Trường Đại học Xây dựng Hà Nội rất tự hào là một trong số rất ít cơ sở đào tạo trên toàn thế giới triển khai cùng một lúc 2 dự án SATREPS. Trong dự án đầu tiên, bắt đầu từ năm 2018, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã phối hợp với Đại học Saitama để đưa ra mô hình quản lý chất thải rắn xây dựng bền vững. Dự án này đã được triển khai tới năm thứ 4 với rất nhiều kết quả khả quan và được ứng dụng tại nhiều địa phương ở Việt Nam.
Dự án ngày hôm nay tập trung vào giải quyết vấn đề an ninh tài nguyên nước, vốn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao, hiệu quả sử dụng nước thấp; tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm nguồn nước… Thời gian gần đây, Bộ TN&MT đã và đang lấy ý kiến cho dự thảo Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng phê duyệt; và cũng vừa tổ chức Hội thảo khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Trong bối cảnh như vậy, Dự án SATREPS “Phát triển hệ thống cấp nước thích ứng với nguồn nước ô nhiễm” với các mục tiêu phát triển công nghệ xử lý nước tiên tiến, thích ứng với các chất ô nhiễm mới, xây dựng hệ thống quan trắc hiệu quả, hướng đến cấp nước an toàn và bền vững sẽ góp phần không nhỏ cho các mục tiêu đảm bảo tài nguyên nước của Chính phủ Việt Nam trong tương lai.
“Với sự tham gia nghiên cứu của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường nước của cả hai quốc gia, kinh nghiệm và công nghệ của các nhà tư vấn về phía Nhật Bản và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cũng như đối tác chính là Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng, tôi tin tưởng rằng dự án sẽ gặt hái được nhiều thành công trong thực tiễn” – PGS.TS Phạm Duy Hòa nhấn mạnh.
Nguồn: Báo xây dựng