Quảng Ninh: Hành trang vào năm mới
(Xây dựng) – Năm 2022 đã khép lại, thành tựu đã đạt được của năm cũ như điểm tựa, hành trang cho năm mới 2023, với những kế hoạch mới, thắng lợi mới.
Quảng Ninh mở đường tắt qua rừng, rút ngắn 50% chiều dài đường từ TP Hạ Long đến TP Lạng Sơn. |
Giữ đà tăng trưởng kinh tế 2 con số
Năm 2022, Quảng Ninh thực hiện thành công “mục tiêu kép” trong chống đại dịch Covid-19, địa phương “an toàn – ổn định – phát triển”. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 10,28%, đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng; giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016 – 2022). Trong đó: Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 5,25%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,75%; Khu vực dịch vụ tăng 14,37%; thuế sản phẩm tăng 8,27%. Quy mô nền kinh tế ước đạt 269 nghìn tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng 13%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 97.766 tỷ đồng (tăng 10,2% so với cùng kỳ). Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 2.783 triệu USD (tăng 8,5% so với cùng kỳ). Khách du lịch ước đạt 11,6 triệu lượt (gấp 2,6 lần so với cùng kỳ). Doanh thu du lịch ước đạt 25.172 tỷ đồng (gấp 3,2 lần so với cùng kỳ).
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 56.500 tỷ đồng (tăng 24% dự toán Trung ương giao, tăng 7% dự toán tỉnh, tăng 8% so với cùng kỳ). Trong đó, thu xuất nhập khẩu ước đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 37% dự toán Trung ương và tỉnh giao (tăng 45% cùng kỳ); thu nội địa ước đạt 42.000 tỷ đồng (tăng 19% dự toán Trung ương giao, bằng 100% dự toán tỉnh, bằng 100% so với cùng kỳ). Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 12.198 tỷ đồng (bằng 100% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ).
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Năm 2022, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là 50 dự án công trình chuyển tiếp, 16 dự án đầu tư mới. Trong đó, hạ tầng giao thông hoàn thành, đưa vào sử dụng đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Các dự án chuyển tiếp như cầu Cửa Lục 3, giai đoạn II đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả. Khởi công mới dự án nâng cấp đường nối Hạ Long với Lạng Sơn, Dự án đường ven sông Đá Vách kết nối cao tốc Móng Cái – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều.
Đường cao tốc Hải Phòng – Móng Cái như xuyên mây đến cửa khẩu quốc tế Bắc Luân II. |
Hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp tục được đầu tư, trọng tâm là kết nối giao thông đồng bộ với Khu kinh tế Vân Đồn, KCN Việt Hưng, Khu kinh tế ven biển và công nghiệp trên địa bàn thị xã Quảng Yên; đã khởi công 4 dự án tại khu kinh tế Vân Đồn và 2 tổ hợp dự án tại khu vực Đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, với tổng vốn đầu tư gần 12.715 tỷ đồng; khánh thành Bến cảng cao cấp Ao Tiên Vân Đồn.
Hạ tầng y tế, giáo dục – đào tạo được tập trung triển khai; khởi công Dự án xây dựng, cải tạo, mở rộng Trường Cao đẳng Việt – Hàn; nâng cấp Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, quy mô từ 2,52 ha lên 3,86 ha, từ 200 lên 330 giường bệnh. Đưa Bệnh viện Lão khoa – Phục hồi chức năng tỉnh vào hoạt động tại trụ sở mới. Dành toàn bộ quỹ đất khu vực Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng, TP Hạ Long để nghiên cứu, lập quy hoạch phục vụ lợi ích công cộng, y tế, giáo dục.
Hạ tầng đô thị được chỉnh trang đồng bộ, văn minh, hiện đại, sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn, hướng tới mô hình đô thị thông minh. Diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 27,5 m2/người, tăng 0,6 m2/người so với năm 2021. Cây xanh toàn đô thị ước đạt trung bình khoảng 10,65 m2/người, tăng 0,5 m2/người so với năm 2021. Tỷ lệ dân số đô thị Quảng Ninh được cấp nước sạch đạt 98%.
Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư
Năm 2023, Quảng Ninh xác định năm công tác với chủ đề “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân”, hành trang bước vào năm mới là kế thừa và phát huy thành tựu của năm cũ xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 theo mục tiêu tổng quát: Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo. Chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác.
Huy động sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững hai con số. Xây dựng, phát triển Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao mọi mặt đời sống của Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển đô thị bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Tỷ lệ đô thị hóa ở Quảng Ninh đạt 69%. |
Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt trên 10%. Tổng thu ngân sách Nhà nước phấn đấu đạt 54.000 tỷ đồng, trong đó thu xuất nhập khẩu đạt 12.000 tỷ đồng, thu nội địa đạt 42.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI đạt ít nhất 1 tỷ USD vào các KCN, khu kinh tế; phát triển mới ít nhất 2.000 DN. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 11%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 69%. Giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.
Về xã hội, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 86,46%; tạo ra ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm; đạt 55 giường bệnh, 15 bác sỹ, 2,7 dược sỹ đại học, 24 điều dưỡng viên trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số. Phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo; xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh.
Về môi trường, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9% (trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam đạt trên 70%). Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 97,3%. Giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% và nâng cao chất lượng rừng.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; chú trọng quản lý xây dựng, thực hiện quy hoạch; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh; hoàn thành các quy hoạch phân khu chức năng. Rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để chuẩn bị ít nhất 50.000 chỗ tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất giai đoạn 2021 – 2030. Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, nhất là quỹ đất được tạo ra bởi các dự án, công trình hạ tầng giao thông động lực của tỉnh; kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật. Tăng cường quản lý tài nguyên than, khoáng sản, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện an sinh xã hội.
Nguồn: Báo xây dựng