Xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm
(Xây dựng) – Bộ Xây dựng xác định: Xây dựng và hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm.
Hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Xây dựng. |
Trình và ban hành nhiều văn bản pháp luật
Năm 2022, Bộ Xây dựng đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Bộ hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ: Nghiên cứu, rà soát, làm rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 7 luật, Nghị quyết. Bộ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 5 Nghị định, 1 Nghị quyết của Chính phủ, 10 Quyết định (trong đó đã ban hành 1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 4 Nghị định, 1 Nghị quyết của Chính phủ, 5 Quyết định); ban hành theo thẩm quyền 6 Thông tư.
Bộ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trình Chính phủ thông qua chính sách.
Bộ đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng giai đoạn 2017 – 2021, đề xuất nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong những năm tiếp theo. Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện 2 Quyết định trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2022.
Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS để cắt giảm, đơn giản hóa 2 thủ tục hành chính, 1 điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.
Bộ soạn thảo, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để cắt giảm, đơn giản hóa 39 thủ tục hành chính trong hoạt động xây dựng, thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, chất lượng công trình xây dựng…
Hoàn thiện thể chế để phù hợp với thực tiễn
Năm 2023, Bộ Xây dựng đề xuất nhiều nhiệm vụ và giải pháp để các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện. Các đơn vị cần quán triệt kịp thời, thường xuyên các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn để chủ động đề xuất lĩnh vực cần ưu tiên trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật…
Phải xây dựng pháp luật với tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Thời gian tới, cần tăng cường lấy ý kiến, đối thoại với DN, hiệp hội để tạo sự đồng thuận, bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong việc ban hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu số, thông tin số về tình hình thực hiện pháp luật ngành Xây dựng, tình hình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật và các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý, làm cơ sở cho việc đánh giá, tổng kết thực tiễn trong quá trình xây dựng pháp luật.
Về giải pháp, cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; đề cao trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong xây dựng và thi hành pháp luật.
Củng cố bộ máy, tổ chức, kiện toàn, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; có chính sách thu hút người thực sự có đức, có tài, có tầm nhìn và năng lực trong hoạch định chính sách.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, giải quyết thủ tục hành chính; có cơ chế thích hợp bảo đảm và tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật.v
Tống Thị Hạnh
Vụ trưởng Vụ Pháp chế
Nguồn: Báo xây dựng