Tăng cường quản lý xây dựng tại địa phương
(Xây dựng) – Nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước lĩnh vực xây dựng tại địa phương, lãnh đạo các Sở Xây dựng đã có một số đề xuất, kiến nghị với Bộ Xây dựng…
Ông Võ Nguyên Phong – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội: Rút ngắn thời gian thủ tục lựa chọn chủ đầu tư NƠXH
Về phát triển NƠXH, hiện nay trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án NƠXH được quy định theo pháp luật về đầu tư, đấu thầu, nhà ở, đất đai, khiến thời gian thực hiện kéo dài (khoảng 1 – 2 năm). Do vậy, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng cùng các Bộ, ngành nghiên cứu rút ngắn thời gian thực hiện trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu.
Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn cơ chế ưu đãi theo quy định tại Điều 58 Luật Nhà ở đối với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH độc lập, có quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đô thị.
Bên cạnh đó, hiện nay mặt bằng giá vật tư VLXD trên thị trường có nhiều biến động, tăng cao, một số quy chuẩn, tiêu chuẩn thay đổi, Sở kiến nghị Bộ Xây dựng sớm rà soát, điều chỉnh suất vốn đầu tư xây dựng của công trình; xem xét, hướng dẫn việc xây dựng, công bố tỷ lệ định mức các chi phí khác chưa tính trong suất vốn đầu tư làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; công bố bổ sung các loại suất vốn đầu tư xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng của công trình mới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Về việc chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng dự án, một phần dự án kinh doanh BĐS của các DN có vốn Nhà nước, Sở kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể các điều kiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN mà đơn vị chuyển nhượng, đơn vị nhận chuyển nhượng phải đáp ứng…
Về công tác cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TP Hà Nội, thực tế hiện nay, UBND cấp huyện gặp khó khăn trong cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, do hầu hết các huyện chưa có đầy đủ các quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn. Do đó, Sở kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, bổ sung đối tượng miễn giấy phép xây dựng tại Luật Xây dựng, Luật Thủ đô đối với nhà ở nông thôn…
Ông Đinh Thế Vinh – Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng: Bộ sớm ban hành quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà và thị trường BĐS, Sở Xây dựng Đà Nẵng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, điều chỉnh lại việc quy định Sở Xây dựng thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước về công sở, tránh gây chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với Sở Tài chính về quản lý tài sản công…
Về lĩnh vực quản lý hoạt động xây dựng, đại diện Sở Xây dựng Đà Nẵng kính đề nghị Bộ Xây dựng sớm nghiên cứu, ban hành các quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với từng loại thủ tục hành chính thuộc ngành Xây dựng (hoặc quy trình chung theo đặc thù của Ngành) để áp dụng đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc, đáp ứng mục tiêu số hóa thành phần hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Sở đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng hoàn thiện hướng dẫn định mức xác định chi phí, thẩm quyền thẩm định phê duyệt và thanh quyết toán các chi phí tư vấn liên quan các bước: Lập, thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng (thực hiện mới và điều chỉnh); hồ sơ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (thực hiện mới và điều chỉnh, kể cả dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật) cho các chủ thể có liên quan đến dự án.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Đà Nẵng kiến nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho TP Đà Nẵng trong việc có ý kiến đối với các Đồ án quy hoạch phân khu, các chương trình, đề án… triển khai sau Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Trần Hoàng Quân – Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM: Đề nghị Bộ hướng dẫn nội dung liên quan đến dự án nhà ở
Triển khai Kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025, trong năm 2021 – 2022, Thành phố dự kiến phát triển 2,5 triệu m2 sàn (khoảng 35.000 căn). Tuy nhiên, đến nay chỉ có 1 dự án hoàn thành, với quy mô 230 căn.
Việc triển khai còn khó khăn, vướng mắc do pháp luật hiện hành có quy định về hoàn trả chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chi phí bồi thường và các khoản chi phí hợp pháp khác để thanh toán cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khi bàn giao lại quỹ đất ở 20% trong dự án cho Nhà nước để đầu tư xây dựng NƠXH. Tuy nhiên chưa có quy định chi tiết để thực hiện nội dung này… Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể việc áp dụng quy định pháp luật này.
Một vấn đề khác là trước đây, đối với một số dự án nhà ở thương mại, thành phố có yêu cầu chủ đầu tư bàn giao một phần quỹ đất ở đã có hạ tầng kỹ thuật tại dự án nhà ở thương mại để đầu tư xây dựng NƠXH. Tuy nhiên, do chưa có quy định về việc thanh toán cho nhà đầu tư quỹ đất nêu trên và thành phố chưa thanh toán cho nhà đầu tư. Nay chủ đầu tư của các dự án nhà ở thương mại này có nhu cầu đăng ký được là chủ đầu tư dự án NƠXH. Do đó, Sở kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép thành phố được điều chỉnh pháp lý dự án, theo hướng giao lại chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại làm chủ đầu tư dự án NƠXH tại khu đất do DN đã bồi thường và đầu tư hạ tầng kỹ thuật, theo điểm b khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở năm 2014 và khoản 1 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015.
Đối với dự án xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, Sở kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn việc diện tích căn hộ được quy đổi thành tiền và được nêu rõ trong phương án bồi thường để làm cơ sở xác định giá trị hợp đồng mua bán và hoàn trả diện tích chênh lệch nếu có.
Theo đại diện Sở Xây dựng, tại TP.HCM, đa số các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, sau khi chủ đầu tư đã thực hiện việc bồi thường, bố trí tái định cư tại dự án thì còn các căn hộ dôi dư. Đối với các căn hộ này, chủ đầu tư đề nghị được bán theo hình thức kinh doanh thương mại để thu hồi vốn. Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn đối với các căn hộ dôi dư này. Chủ đầu tư có được phép bán kinh doanh thương mại hay phải tiếp tục bố trí tái định cư theo mục tiêu của dự án?
Ông Mai Như Toàn – Giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ: Cần cơ chế ưu đãi trong đầu tư xây dựng dự án, hạ tầng kỹ thuật
Với quyết tâm thực hiện hoàn thành phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, ngành Xây dựng TP Cần Thơ cơ bản đã hoàn thành các kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện một số nhiệm vụ của ngành Xây dựng, TP Cần Thơ còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị, quản lý xây dựng và chất lượng công trình xây dựng.
Cụ thể, đối với lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Cần Thơ kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành sổ tay hướng dẫn lập Chương trình cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch để Sở làm căn cứ hướng dẫn và thực hiện cho các nhà máy cấp nước trên địa bàn thành phố theo nội dung tại Thông tư số 08/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Bên cạnh đó, Sở kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT xem xét, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2008/TT-BXD và Thông tư số 16/TT-BXD nhằm tránh sự chồng chéo về công tác quản lý nhà nước về hạ tầng giao thông đô thị…; Bộ đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách ưu đãi trong đầu tư dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật theo hình thức đối tác công tư (PPP)…
Đối với lĩnh vực quản lý quy hoạch và phát triển đô thị, Sở kiến nghị Bộ Xây dựng quan tâm, bố trí nguồn lực giúp các địa phương có công cụ thực hiện đô thị sinh thái, nhất là gắn với đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực thực hiện các nghiên cứu cơ bản về kiến trúc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Về lĩnh vực quản lý xây dựng và chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng Cần Thơ kiến nghị Bộ Xây dựng sớm tham mưu, sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ…
Nguồn: Báo xây dựng