Nguồn cung mặt bằng bán lẻ TP.HCM dồi dào, tỷ lệ lấp đầy cao

Giá chào thuê mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM vẫn duy trì đà tăng, nhất là những vị trí đắc địa. Năm 2023, nguồn cung phân khúc này được dự báo khá dồi dào, tỷ lệ lấp đầy cao.

Nguồn cung dồi dào

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thị trường mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM dần có dấu hiệu khởi sắc.

Theo Cushman & Wakefield, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ đang hoạt động tại TP.HCM đạt 1,052 triệu m2. Vào quý 4/2022, một trung tâm thương mại tại khu vực phía Đông Thành phố đóng góp nguồn cung 33.000m2.

Trong năm 2023, 4 dự án trung tâm thương mại (TTTM) và siêu thị dự kiến hoàn thành sẽ cung ứng thêm 116.000m2 diện tích bán lẻ. Ngoài ra, một số TTTM được cải tạo, nâng cấp cũng gia tăng đáng kể nguồn cung cho phân khúc này.

Nguồn cung mặt bằng bán lẻ TP.HCM dồi dào, tỷ lệ lấp đầy cao
Nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM trong năm 2023 khá dồi dào.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM trong quý cuối cùng của năm 2022 đạt 88%. So với cùng kỳ và quý của năm trước, dù tỷ lệ này có thấp hơn nhưng có sự gia tăng về giá cho thuê, trung bình 49,3 USD/m2/tháng.

Theo Cushman & Wakefield, nguồn cung mặt bằng bán lẻ sắp tới của TP.Thủ Đức chủ yếu đến từ các TTTM. Còn khu vực trung tâm TP.HCM, cụ thể là Q.1, nguồn cung chủ yếu từ các TTTM cộng đồng, nơi có những thương hiệu thời trang cao cấp, dịch vụ cá nhân hóa theo định hướng của nhân viên, giải trí, du lịch…

Ngoài sự gia nhập và mở rộng quy mô của các thương hiệu quốc tế, thương hiệu trong nước cũng đang dần mở rộng thị trường. Doanh nghiệp bán lẻ hiện đã chú trọng hơn đến việc dành nhiều không gian trải nghiệm sản phẩm trong khâu thiết kế cửa hàng. Điều này dự báo nhu cầu mặt bằng bán lẻ sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Giá thuê tăng

Về giá thuê, báo cáo mới nhất của CBRE Vietnam cho thấy, giá chào thuê mặt bằng bán lẻ khu vực trung tâm TP.HCM vẫn duy trì đà tăng, đặc biệt ở các vị trí đắc địa.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2022 ở TP.HCM có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm lại đây, đạt mức 805.000 tỷ đồng và tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2022 của cả nước ước tính chỉ đạt khoảng 84% trong điều kiện bình thường không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nguồn cung mặt bằng bán lẻ TP.HCM dồi dào, tỷ lệ lấp đầy cao
Giá chào thuê mặt bằng bán lẻ khu vực trung tâm TP.HCM vẫn duy trì đà tăng.

Trong quý 3/2022, giá chào thuê mặt bằng bán lẻ trung bình tại tầng trệt và tầng một của các TTTM ở khu vực trung tâm TP.HCM đạt mức 185-250 USD/m2/tháng, tăng 52.1% theo năm, gấp hơn 5 lần so với giá thuê ở khu vực ngoài trung tâm (38 USD/m2/tháng).

Tỷ lệ trống có xu hướng giảm nhẹ ở khu vực ngoài trung tâm do một số thương hiệu có xu hướng mở rộng ra ngoài trung tâm và các TTTM đang đảo lại ngành hàng cho phù hợp với nhu cầu mua sắm và mở rộng của thương hiệu.

So với quý trước, TP.HCM ghi nhận tỷ lệ trống được cải thiện ở cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy quý 3 tại khu vực trung tâm đạt gần 93,8%. Trong khi đó, khu vực ngoài trung tâm còn trống 11,4%.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ trống ghi nhận xu hướng tăng ở khu vực trung tâm.

Về nguồn cung tương lai, CBRE Vietnam dự báo sẽ có hơn 170.000m2 diện tích mặt bằng bán lẻ trong giai đoạn 2023-2024.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích