59/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai
59/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai
Qua thời gian vận hành hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai đã thể hiện rõ hiệu quả của hệ thống này.
Hai năm giải quyết hơn 7,7 triệu hồ sơ
Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai và đi vào hoạt động. Qua thời gian vận hành hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai đã thể hiện rõ hiệu quả của hệ thống này.
Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai đã giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thực hiện mạnh mẽ việc cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, giảm đáng kể thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Đối với những địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, một số thủ tục hành chính đã được lồng ghép hoặc liên thông nên giảm thủ tục so với những nơi chưa thành lập (thủ tục hành chính về đất đai giảm từ 62 thủ tục xuống còn 41 thủ tục). Nhờ đó, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận đã giảm từ 05 – 25 ngày so với trước đây.
Bên cạnh đó, thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt 90 – 95% so với quy định, tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn đã cơ bản chấm dứt; tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở một số địa phương đã tăng đáng kể; các Văn phòng đăng ký đất đai đã chăm lo nhiều hơn cho việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính của địa phương, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; giảm thiểu hồ sơ lưu trữ theo phân cấp như trước đây (trước đây 03 bộ hồ sơ thì hiện nay là 01 bộ hồ sơ).
Các Văn phòng đăng ký đất đai chủ động hơn trong việc điều phối nguồn nhân lực trong toàn hệ thống; người dân, doanh nghiệp và các tổ chức được tiếp cận với hệ thống tổ chức chuyên nghiệp, thuận lợi và linh hoạt khi có nhu cầu thực hiện các giao dịch về đất đai. Chỉ tính riêng 2 năm vừa qua, toàn hệ thống văn phòng đăng ký đất đai đã giải quyết hơn 7,7 triệu hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch về đất đai, thời gian vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020, trong đó có quy định về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Theo đó, người sử dụng đất có quyền được lựa chọn địa điểm nộp hồ sơ và thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Theo khảo sát của PAPI công bố ngày 28/4/2020, tỷ lệ người dân phản ánh phải “bôi trơn” khi làm thủ tục sổ đỏ giảm 34% so với năm 2015, mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ này tăng 13% so với năm 2016, tỷ lệ người dân phản ánh không phải đi qua nhiều cửa khi làm thủ tục cấp GCN đạt 80,72%.
Đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, cải cách hành chính
Đánh giá hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai, ông Phạm Ngô Hiếu, Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) cho biết, thực hiện pháp luật đất đai năm 2013, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, UBND các cấp đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Việc quản lý, sử dụng đất ngày càng chặt chẽ và đi vào nề nếp. Đến nay, việc cấp giấy chứng nhận (GCN) đã cơ bản hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, việc hình thành, hoàn thiện hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai là tổ chức dịch vụ sự nghiệp công lập đóng vai trò quan trọng đối với các kết quả này.
Hiện cả nước đã có 59/63 tỉnh đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường với 656 Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trên phạm vi 667 đơn vị hành chính cấp huyện; còn lại 4 tỉnh chưa thành lập bao gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Điện Biên.
Về cơ bản mỗi đơn vị hành chính cấp huyện đều có một Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; riêng thành phố Hà Nội có một chi nhánh thành lập và hoạt động theo khu vực (quản lý 3 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình), Hà Tĩnh có 6/7 chi nhánh hoạt động theo mô hình liên huyện; huyện đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị không có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; thành phố Lai Châu không thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, các nhiệm vụ tại thành phố Lai Châu do Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Lai Châu thực hiện.
Theo kết quả tổng hợp của 56 tỉnh, thành phố, trong 2 năm 2018 – 2019 là khoảng 7,7 triệu hồ sơ, trong đó năm 2018 đã giải quyết được 3,4 triệu hồ sơ/56 tỉnh (trung bình hơn 61 nghìn hồ sơ/tỉnh/năm); năm 2019 đã giải quyết gần 4,0 triệu hồ sơ/56 tỉnh (trung bình 69 nghìn hồ sơ/tỉnh/năm). Một số Văn phòng đăng ký đất đai đã áp dụng hệ thống điện tử để giải quyết thủ tục trong công tác cấp Giấy chứng nhận hoặc đang trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy chế liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (Kon Tum, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Hậu Giang). Một số địa phương đã phối hợp với bưu điện của tỉnh để chuyển phát hồ sơ giữa Văn phòng đăng ký đất đai với các chi nhánh (Lạng Sơn, Đắk Nông, Lâm Đồng).
Qua quá trình hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai đã đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thực hiện cải cách hành chính một cách mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực đất đai liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là cơ sở nền tảng cho việc liên thông dữ liệu với các ngành khác, hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tiến tới xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia hiện đại, tập trung thống nhất. Một số địa phương đã tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, vận hành thống nhất liên thông xã – huyện – tỉnh và đã đưa vào vận hành cho công tác quản lý, khai thác sử dụng để cung cấp thông tin đất đai; các thủ tục hành chính về đất đai, cấp Giấy chứng nhận được thực hiện trực tiếp trong cơ sở dữ liệu địa chính từ việc tiếp nhận hồ sơ luân chuyển đến thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn. Một số địa phương đang tiến hành tổ chức chia sẻ, cung cấp thông tin đất đai với ngành thuế để xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; bắt đầu thực hiện dịch vụ công về đất đai trên môi trường điện tử thông qua Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.
Một số hạn chế trong hoạt động của các Văn phòng đăng ký đất đai
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai còn gặp không ít khó khăn trong công tác như: về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ chế hoạt động, tài chính, trụ sở làm việc, kho lưu trữ trang thiết bị…
Đại diện Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết, khi hoạt động Văn phòng còn gặp một số khó khăn như: Do hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ nên thời gian giải quyết các vấn đề liên thông, cung cấp thông tin từ các cơ quan khác (Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp phường..) chưa kịp thời dẫn đến thời gian giải quyết các thủ tục hành chính chưa được đảm bảo.
Đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, do chưa có cơ chế tạo nguồn thu phù hợp, việc thu chủ yếu qua phí. Vì vậy giai đoạn vừa qua đơn vị thiếu kinh phí hoạt động, không có điều kiện trang bị thiết bị làm việc, cơ sở dữ liệu đất đai chưa được hoàn thiện…
Như vậy, trong hoạt động của các Văn phòng đăng ký đất đai vẫn còn tồn tại, hạn chế về cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, trụ sở làm việc, kho lưu trữ, hệ thống trang thiết bị phục vụ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và cơ chế hoạt động…
Trong thời gian tới cần hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính, tạo nguồn thu ổn định, bảo đảm việc tái đầu tư và phát triển cho hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, mọi nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là cơ sở nền tảng cho việc liên thông dữ liệu với các ngành khác. Một số nơi đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, vận hành thống nhất liên thông xã – huyện – tỉnh và đã đưa vào khai thác sử dụng để thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai và cung cấp thông tin về đất đai cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu. Tuy nhiên, hiện nay mới hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho hơn 190 huyện (chiếm khoảng 27% số huyện cả nước).
Cần phải đẩy mạnh việc kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, làm nền tảng vững chắc cho hoạt động cải cách thủ tục hành chính về đất đai nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân và doanh nghiệp./.
PV (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị