Các tổ chức quốc tế dự báo gì về ‘sức khỏe’ nền kinh tế Việt Nam 2023?
Mặc dù bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất ổn, song liên tiếp gần đây các tổ chức nước ngoài đều nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay và triển vọng tăng trưởng trong năm sau.
Việt Nam vẫn là điểm sáng
Trong bài báo mới đây, Asia Times cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất châu Á trong năm 2022. “Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có thể ăn mừng về thành tích kinh tế xuất sắc trong năm 2022”, bài báo viết và cho rằng thành tích này phần lớn nhờ khả năng thu hút đầu tư nước ngoài chuyển dịch khỏi Trung Quốc.
Theo Asia Times, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2022 rất ấn tượng. Có ít nhất 11 công ty Đài Loan trong chuỗi cung ứng của Apple đã chuyển đến Việt Nam và đàm phán để tăng sản lượng. Tập đoàn Lego của Đan Mạch cũng đã khởi công xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Bình Dương. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu như Samsung và Intel vẫn đang tiếp tục mở rộng hoạt động tại đây.
Trong báo cáo vĩ mô về kinh tế châu Á công bố ngày 22/12, Ngân hàng HSBC cho rằng Việt Nam nhiều khả năng tiếp tục là một trong những nước tăng trưởng vượt trội ở châu Á. Ngân hàng này nhận xét, 2022 là một năm phục hồi bùng nổ với Việt Nam. GDP quý III tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước nhờ lĩnh vực bên ngoài vững vàng và nhu cầu trong nước mạnh mẽ. Do vậy, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm nay sẽ ở mức 8,1%, vượt so với dự đoán cũ 7,6%.
Các tổ chức quốc tế đều dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm sau (Ảnh: Phạm Nguyễn). |
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây cũng đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong khu vực khi mà nhiều nền kinh tế giảm trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu, cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài và chính sách chống Covid của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay từ mức 6,5% lên 7,5%, trong khi hạ lạm phát về mức 3,5%, giảm so với dự báo trước đó.
Cùng chung nhận định, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay mức cao nhất khu vực, đạt 7,2% thay vì 5,3% như dự báo hồi tháng 4.
Ảnh hưởng từ bên ngoài
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, ADB lưu ý, rủi ro đối với triển vọng kinh tế ngày càng gia tăng. Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang sụt giảm.
Báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng lưu ý cả 2 động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam gồm xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại, đồng thời tiêu dùng hậu thời kỳ đại dịch đang có dấu hiệu phục hồi chậm.
Cũng lưu ý về dấu hiệu xuất khẩu giảm tốc, HSBC chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu là do lĩnh vực điện tử (chiếm 35% tổng kim ngạch) suy yếu. Ngoài ra, kinh tế Mỹ đi xuống cũng khiến cho tình hình xuất khẩu trở nên khó khăn, bởi đây là thị trường lớn nhất của nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, HSBC vẫn cho rằng, nhu cầu tiêu dùng trong nước và thị trường lao động phục hồi sẽ là điểm sáng tích cực trong bối cảnh trên.
Do nhiều thách thức có khả năng sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn trong năm sau, đặc biệt sau khi những hiệu ứng do mở cửa trở lại phai nhạt dần và tác động của lạm phát cao bắt đầu rõ nét. HSBC dự báo lạm phát trong năm tới có thể lên đến 4%. Điều này đồng nghĩa chu kỳ thắt chặt tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục được duy trì.
Dù 2023 sẽ là một năm nhiều khó khăn, thách thức, song các tổ chức, định chế tài chính quốc tế vẫn đánh giá kinh tế Việt Nam duy trì đà tích cực và Việt Nam đang sẵn sàng tăng trưởng nhanh trong năm tới.
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm sau ở mức 6,3%, điều chỉnh so với mức 6,7% trong dự báo trước đó, do các đối tác thương mại lớn suy yếu.
Trong khi đó, HSBC vẫn lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam và dự báo năm tới Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 được dự báo ở mức 5,8%, so với mức 2,1% của Singapore, 3,8% của Thái Lan, 4% của Malaysia, 4,3% của Indonesia và 4,4% của Phillipines.
Nguồn: Báo xây dựng