Bắc Trung Bộ và cơ hội phát triển mới
Bắc Trung Bộ nằm giữa hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Trung Bộ, phía Tây giáp Lào, phía Đông hướng ra biển Đông. Vị trí của vùng giống như cầu nối giữa Bắc và Nam của đất nước, giữa Lào với biển Đông. Vùng có hệ giao thông xuyên Việt (quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt Bắc – Nam) có nhiều tuyến đường ngang Đông – Tây từ cảng biển đến nước bạn Lào như đường số 7, số 8, số 9. Trong vùng có nhiều cảng biển, sân bay lớn quan trọng (như sân bay Thọ Xuân, sân bay Vinh, sân bay Đồng Hới, sân bay Phú Bài, các cảng Nghi Sơn, Cửa Lò, Cửa Hội, Sơn Dương – Vũng Áng, Nhật Lệ, Hòn La, Chân Mây), có hệ thống đô thị, khu kinh tế ven biển, cửa khẩu là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của vùng và từng địa phương.
Vùng Bắc Trung Bộ có vị trí thuận lợi trong giao lưu giữa các địa phương trong nước và quốc tế, trước hết là với Thủ đô Hà Nội, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào. Vùng có vị trí đặc biệt trong đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Vùng Bắc Trung Bộ có nhiều tiềm năng to lớn, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, cửa khẩu và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển như: Kinh tế hàng hải; nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản; du lịch biển; xây dựng các khu kinh tế ven biển, cửa khẩu, các khu công nghiệp gắn với các khu đô thị ven biển, cửa khẩu; tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo…; cùng với địa danh cách mạng, các di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, văn hóa tiêu biểu sẽ là tiền đề cho sự phát triển tổng hợp, đa ngành. Cụ thể:
– Đối với phát triển các khu kinh tế ven biển: Vùng Bắc Trung Bộ hiện có các khu kinh tế ven biển quan trọng: Khu Kinh tế Nghi Sơn, Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
Khu kinh tế Nghi Sơn được tiếp tục phát triển thành trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu thứ 2 của cả nước. Xây dựng nhiệt điện, thương mại, du lịch, dịch vụ và những ngành kinh tế khác gắn với cảng nước sâu lớn của vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Khu kinh tế Vũng Áng được xây dựng thành trung tâm công nghiệp luyện cán thép, cảng biển lớn của quốc gia, trung tâm giao thương quốc tế lớn của khu vực.
Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An được định hướng thành trung tâm kinh tế tổng hợp, đa chức năng, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Khu kinh tế Hòn La sẽ phát triển thành một trong những trung tâm giao thương quốc tế ở Bắc Trung Bộ, trong đó ưu tiên cho phát triển kinh tế gắn với cảng, dịch vụ và du lịch.
Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô tiếp tục được tiến hành xây dựng một số dự án quy hoạch quan trọng, đồng thời rà soát, điều chỉnh hệ thống quy hoạch đã và đang thực hiện để khớp nối, đồng bộ hóa nhằm phục vụ hoạt động quản lý, xúc tiến và thực hiện đầu tư.
– Đối với ngành du lịch: Vùng Bắc Trung Bộ vừa có rừng, có biển, sông ngòi, đồng ruộng, với ba thềm địa hình đặc trưng gồm vùng đồng bằng ven biển, vùng trung du và vùng miền núi. Riêng đối với lĩnh vực du lịch, đây là khu vực tập trung nhiều khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, cũng là nơi nổi tiếng với các di sản thế giới (Thành nhà Hồ – Thanh Hóa, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng…) góp phần tạo nên con đường di sản miền Trung, có nhiều cộng đồng dân cư thuộc các sắc tộc khác nhau sinh sống, hình thành nhiều tài nguyên nhân văn đa dạng và độc đáo có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách trong và ngoài nước.
Đối với các tỉnh Bắc Trung Bộ, du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là cầu nối để giao lưu văn hóa, kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế, do đó các liên kết vùng là đặc biệt quan trọng trên cơ sở khung hạ tầng giao thông kết nối như đường bộ (đường cao tốc, đường sắt), đường thủy và đường hàng không.
– Đối với phát triển hệ thống đô thị: Theo điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 445/QĐ-TTg), hệ thống đô thị của Việt Nam được phân bổ hợp lý trên cơ sở 6 vùng kinh tế – xã hội. Trong đó có bao gồm vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh ven biển và hiện nay có khoảng trên 210 đô thị. Đây là khu vực có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, nằm trên các trục giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển, gần khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ; cửa ngõ của Tây Nguyên, của đường ra biển nối với đường hàng hải quốc tế, thuận lợi giao lưu phát triển kinh tế và hình thành nền kinh tế mở.
Hiện nay, vùng Bắc Trung Bộ có khoảng trên 100 đô thị. Thời gian qua công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị được các địa phương đặc biệt quan tâm; hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ, đặc biệt đối với các đô thị ven biển. Việc đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang được thực hiện thông qua các dự án như xây dựng nhà ở, biệt thự cao cấp, khu hành chính tập trung và các loại khác (như quảng trường, công cộng, công nghiệp, bảo tồn, phòng hộ, hạ tầng kỹ thuật cảng biển, sân bay…)
Thời gian tới cần đưa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; các Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… vào cuộc sống.
Theo đó, vùng Bắc Trung Bộ cần tái cấu trúc lại không gian lãnh thổ vùng trên cơ sở Quy hoạch Tổng thể Quốc gia, quy hoạch tỉnh của các tỉnh trong vùng. Quy hoạch các ngành lĩnh vực để tạo đà phát triển năng động hơn. Tổ chức lãnh thổ được hiểu như toàn bộ quá trình hay hành động của con người nhằm phân bố các cơ sở sản xuất và dịch vụ, phân bố dân cư, sử dụng nguồn tài nguyên trong tự nhiên, có tính đến các mối quan hệ, liên hệ của chúng, các sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng. Các hành động này được thực hiện phù hợp với các mục tiêu của xã hội trên cơ sở các quy luật kinh tế trong hình thái kinh tế – xã hội tương ứng. Mục tiêu cơ bản của tổ chức không gian lãnh thổ là nhằm tiết kiệm lao động xã hội nhờ cải thiện cơ cấu sản xuất – lãnh thổ của nền kinh tế và cải thiện cơ cấu tổ chức sản xuất của đất nước hay của từng vùng cụ thể theo hướng phát triển tổng hợp nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong sản xuất, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái.
Trên cơ sở đó cần hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị trong vùng trên quan điểm góp phần hoạch định không gian lãnh thổ, tổ chức các trung tâm động lực phát triển vùng. Việc phát triển hệ thống đô thị phải (i) phù hợp với sự phân bố và trình độ phát triển lực lượng sản xuất, với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; góp phần đảm bảo đến năm 2030, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có nền kinh tế năng động, phát triển nhanh và bền vững; (ii) tạo ra sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng. Coi trọng mối liên kết đô thị – nông thôn, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 của vùng Bắc Trung Bộ và của cả nước.
Tái cấu trúc không gian lãnh thổ vùng Bắc Trung Bộ còn phải phù hợp với Quyết định 462/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành ngày 14/4/2022. Trên cơ sở tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng – an ninh trên biển. Cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, sản xuất, lắp ráp ô tô. Phát triển nhanh, đồng bộ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tăng cường liên kết vùng, tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế Đông – Tây; phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần phát triển có trọng tâm, trọng điểm việc xây dựng hệ thống đô thị ven biển của vùng trở thành các trung tâm kinh tế trên địa bàn vùng, là các hạt nhân lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng và các vùng lân cận.
Giờ đây, không còn đơn thuần là khát vọng của người dân và những người lãnh đạo, khu vực Bắc Trung Bộ đã dần khoác lên mình sự đổi thay, khi ba khâu đột phá về cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn lực đã, đang và sẽ phát huy hiệu quả. Trong mắt các nhà đầu tư, đây không còn là vùng đất nghèo, kém phát triển mà thay vào đó là tiềm năng và cơ hội. Những dự án lớn về công nghiệp, đô thị, du lịch, bất động sản năng lượng và cả nông nghiệp công nghệ cao đang làm thay đổi diện mạo và đặt ra kỳ vọng về sự phát triển ngoạn mục của các địa phương thông qua tầm nhìn chiến lược khi lập quy hoạch tỉnh với sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Đảng và Chính phủ. Các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ đang trở thành miền đất hứa với sự xuất hiện của những thương hiệu doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam như Vingroup, Sun Group, Văn Phú – Invest, Flamingo… cũng như các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới như: Millennium Energy (Hoa Kỳ), AVG Capital Partners (Nga), Foxconn (Đài Loan)…/.