Việt Nam cần tăng cường thực hiện các giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn xây dựng

Tái chế, tái sử dụng 60% phế thải xây dựng vào năm 2050

Theo TCVN 6705:2000, chất thải rắn xây dựng (CTRXD) là phế thải được thải ra do phá dỡ, cải tạo các hạng mục/công trình xây dựng cũ, hoặc do xây dựng các hạng mục/công trình mới (nhà, cầu cống, đường giao thông…) như vôi vữa, gạch ngói vỡ, bê tông, ống dẫn nước, tấm lợp… và các vật liệu khác. CTRXD rất đa dạng về chủng loại, thành phần và chất lượng cũng rất khác nhau do có thể được thu gom từ nhiều nguồn.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050, khoảng 90% tổng lượng CTRXD phát sinh tại các đô thị sẽ được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, trong đó 60% được tái sử dụng hoặc tái chế.

Theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2011, tổng lượng chất thải rắn đô thị trung bình là 60 nghìn tấn/ngày, trong đó CTRXD chiếm từ 10-12% và tỷ lệ ở các đô thị lớn có thể lên tới 20-25%. Riêng tổng lượng CTRXD năm 2010 là 1,9 triệu tấn và con số này có thể tăng lên khoảng 9,6 triệu tấn vào năm 2025. Tình hình này yêu cầu Việt Nam phải thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả để kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng. Đến ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg về điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2050, khoảng 90% tổng lượng CTRXD phát sinh tại các đô thị cần được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, trong đó 60% được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm.

Nội dung sử dụng chất thải xây dựng tái chế để sản xuất vật liệu xây dựng tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030.

Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng là rất cần thiết

Để giúp đỡ Việt Nam thực hiện mục tiêu trên, hai cơ quan của Chính phủ Nhật Bản là Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ thực hiện dự án SATREPS: “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam”.

Dự án có 5 hoạt động chính, bao gồm: Xây dựng hướng dẫn quản lý phế thải xây dựng (PTXD) thân thiện với môi trường ở Việt Nam; Xây dựng hệ thống quản lý và Trung tâm xử lý tái chế chất thải – Kinh tế tuần hoàn; Phát triển công nghệ mới nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và xây dựng hạ tầng từ các vật liệu tái chế ở Việt Nam; Nâng cao năng lực lãnh đạo và nhân sự quản lý PTXD ở Việt Nam; Đề xuất mô hình kinh doanh chiến lược cho việc tái chế PTXD và áp dụng các biện pháp quảng bá hiệu quả nhằm đáp ứng chiến lược quốc gia về quản lý PTXD đến năm 2025 và tầm nhìn 2050.

Rõ ràng, việc áp dụng các biện pháp tái chế, tái sử dụng chất thải xây dựng là một cách làm phù hợp với định hướng kinh tế tuần hoàn đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.

TS. Tống Tôn Kiên, giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án SATREPS cho rằng, Việt Nam cần sớm thực hiện nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý và mô hình tái chế CTRXD phù hợp cho từng địa phương. Các địa phương nên áp dụng phương pháp dự báo lượng CTRXD phát sinh để phục vụ công tác quản lý và quy hoạch.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nên xây dựng đề án tổng thể về quản lý và tái chế CTRXD nhằm bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh/thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030, đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư xử lý và tái chế CTRXD trên địa bàn và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách quản lý CTRXD đến người dân và các bên liên quan.

Các địa phương cần xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư xử lý và tái chế CTRXD trên địa bàn và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách quản lý CTRXD đến người dân và các bên liên quan.

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Đức Lượng, giảng viên Khoa Kỹ thuật Môi trường của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân loại CTRXD tại nguồn. Kinh nghiệm của Nhật Bản và một số quốc gia khác trên thế giới cho thấy, việc xây dựng kế hoạch quản lý CTRXD trước khi thực hiện phá dỡ công trình là rất cần thiết. Sau đó, công việc phải làm là xác định các nhóm CTRXD thông thường và CTRXD nguy hại để có hình thức phân loại và lưu giữ phù hợp, đồng thời tận dụng và tái chế CTRXD thông thường càng nhiều càng tốt.

Xuất phát từ thực tế này, PGS.TS. Nguyễn Đức Lượng kiến nghị, Chính phủ Việt Nam cần ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cường áp dụng “Chỉ dẫn kỹ thuật quy trình thu gom và phân loại CTRXD tại công trình phá dỡ” trong thực tế và hỗ trợ, thúc đẩy công tác phân loại, tái chế, tái sử dụng CTRXD./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích