Những chỉ đạo của Chính phủ gỡ khó cho thị trường bất động sản
Trước bối cảnh diễn biến phức tạp của thị trường bất động sản thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo kịp thời, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững hôm 14/7. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Chiều 14/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì nhằm đánh giá thực trạng và nêu rõ những hạn chế, bất cập của thị trường bất động sản; tổng hợp kinh nghiệm trong nước, quốc tế, từ đó đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan để đảm bảo thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. “Tinh thần là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự nhưng ai sai phạm thì phải xử lý; bảo vệ, khuyến khích những người làm đúng, những người làm ăn chân chính, hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh…
Chỉ thị số 13 về giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh
Ngày 29/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13 về giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh.
Tại Chỉ thị 13, Thủ tướng đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đối với các Bộ ngành, địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, điểm nghẽn, nút thắt thị trường bất động sản.
Chính phủ yêu cầu ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tràn lan. |
Trong đó, yêu cầu trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây lại chung cư cũ; kiểm soát hoạt động huy động vốn tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất;
Có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Không để xảy ra sốt giá, “bong bóng” bất động sản; Rà soát các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai;…
Chính phủ lập Tổ công tác gỡ khó cho bất động sản
Ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1435 về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Tổ công tác sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tháng 12/2022. |
Theo quyết định, Tổ công tác do ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổ công tác tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Tổ công tác cũng tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Tổ công tác còn có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan.
Bộ Xây dựng vừa cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hiện đang tích cực làm việc trực tiếp với các địa phương và có tổng hợp, kiến nghị riêng từ các doanh nghiệp để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tổ công tác sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tháng 12/2022.
Công điện 1164 tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở
Ngày 14/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện 1164/CĐ-TTg ngày về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.
Theo đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở ổn định, lành mạnh, bền vững, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên góp phần phục hồi phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ động triển khai tích cực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác trong việc rà soát khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản.
Thủ tướng yêu cầu cho vay, giải ngân nhanh chóng với dự án bất động sản đủ điều kiện. |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, lựa chọn các chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở các thành phố, khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Với Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại và các chủ thể liên quan tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 về tiết kiệm chi phí, giảm thủ tục hành chính, tăng cường số hóa để cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho nền kinh tế. Việc cho vay, giải ngân phải nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý theo thẩm quyền để đôn đốc, hướng dẫn; trường hợp vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để tháo gỡ các khó khăn thuộc lĩnh vực đất đai trong triển khai thực hiện phát triển thị trường và các dự án bất động sản.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung kịp thời quy định, pháp luật về đầu tư, đấu thầu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu thầu dự án bất động sản.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với từng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai để chủ động, quyết liệt xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cụ thể, rõ ràng các vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ trong trường hợp vượt thẩm quyền.
Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường; báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các trường hợp vượt thẩm quyền các cấp, các địa phương.
Với các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có liên quan, Thủ tướng cho rằng tích cực, chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán… phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi.
Nguồn: Báo xây dựng