Phương pháp giúp trẻ tiếp thu nhanh khi học online

Năm học 2021 – 2022 được xem là một năm học với khởi đầu đầy khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với báo Tin tức trước thềm năm học rằng: “Thời gian dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế trong điều kiện học sinh phải tạm dừng đến trường. Đến nay, ngành giáo dục xác định, dạy học trực tuyến trở thành việc lâu dài, vừa để thích ứng, vừa để triển khai chuyển đổi số để phát triển. Trong trường hợp học sinh có thể tới trường học trực tiếp, việc dạy và học trực tuyến vẫn là phương pháp hỗ trợ, bổ sung rất tốt”.

Trong quá trình đó, việc triển khai dạy trực tuyến với lớp 1 sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia giáo dục thì để có thể đồng hành cùng trẻ lớp 1 trong bối cảnh phải học online thì nhà trường, thầy cô cũng như phụ huynh phải hiểu những khó khăn mà học sinh độ tuổi này đang gặp phải. Từ đó, việc đồng hành với trẻ sẽ dễ dàng hơn khi nhà trường, thầy cô, cha mẹ cùng tháo gỡ khó khăn đó với các con.  

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nêu ra 5 khó khăn của học sinh lớp 1 khi phải học trực tuyến.

Đó là, dễ mất tập trung do trẻ đang trong độ tuổi háo hức khám phá môi trường xung quanh. Trẻ đang trong độ tuổi hiếu động và ồn ào, khoảng chú ý ngắn nên rất khó khăn khi phải ngồi một chỗ và tập trung trong thời gian dài. Khả năng phối hợp thị giác – thính giác – vận động kém, các em không thể thực hiện nhiều thao tác cùng lúc nên sẽ dễ bỏ lỡ bài học nếu bị phân tâm hoặc lúng túng bởi công nghệ. Độ tuổi của trẻ lớp 1 dễ lo lắng và tổn thương, các con dễ cảm thấy bất an khi không có được sự chú ý từ thầy cô hoặc cha mẹ, điều này khiến các con không thể tiếp thu kiến thức. Mỗi em có những thế mạnh và điểm yếu riêng, do vậy, giáo viên và cha mẹ cần có sự hỗ trợ kịp thời để các con không bị bỏ lại phía sau và không thể theo được khi học trực tuyến.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, để có thể dạy học trực tuyến hiệu quả, cha mẹ và giáo viên cần phải hiểu đặc điểm tâm lý của trẻ, những khó khăn khi các con học trực tuyến và cần có những chiến lược phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường giúp con vượt qua trở ngại tâm lý để sẵn sàng cho việc học trực tuyến.

Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ ra mắt kênh hỗ trợ dạy – học trực tuyến bậc tiểu học cho giáo viên vùng khó khăn. Ảnh: VNU

PGS TS Trần Thành Nam cho rằng, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải tạo cho con một tâm thế háo hức đối với việc học trực tuyến. Tiếp nữa, không gian học tập cố định và quy tắc tôn trọng trật tự khi con học khiến con có thể học trực tuyến một cách tập trung hơn. Cha mẹ phải đóng vai trò giáo viên, huấn luyện viên để có thể hỗ trợ con khi cần thiết. Cha mẹ có thể giúp con thoát khỏi cảm giác ở nhà bằng cách cho con mặc đồng phục như học trên lớp, rèn con ngồi học đúng tư thế…

Vị chuyên gia tâm lý giáo dục có nhiều kinh nghiệm này cũng đưa ra những bí quyết để phụ huynh giúp con tăng sự tập trung như: Dán những lời nhắc nhở dễ thương trong tầm mắt của trẻ hay sử dụng quả bóng stress để giảm lo âu. Bên cạnh đó, cha mẹ cần phân bổ thời gian sử dụng màn hình cho các hoạt động trong ngày của con để đảm bảo con không bị quá tải khi học trực tuyến. Đồng thời, cần xen kẽ các hoạt động thể chất vừa sức giúp con giảm căng thẳng cũng như tăng cường vận động.

“Phụ huynh phải có kiến thức dinh dưỡng chăm sóc trẻ, phương pháp sư phạm, kỹ năng quản lý cảm xúc cũng như những hiểu biết của bản thân trong việc sử dụng công nghệ để có thể hỗ trợ trẻ kịp thời”, PGS TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.  

Với các giáo viên, PGS TS Trần Thành Nam cho rằng: “Thầy, cô hãy dành tuần đầu tiên để thiết lập mối quan hệ với trẻ cũng như phụ huynh và thống nhất về nội quy lớp học. Giáo viên có thể vận dụng linh hoạt sự sáng tạo của mình để chuyển từ hoạt động học tập này sang hoạt động học tập khác mà vẫn giữ được sự kết nối với học sinh”.  

Các chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, nhà trường phải tính toán rất chi tiết trong việc thiết kế thời khóa biểu, thiết kế các phiên học phải được cân nhắc dựa trên các đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em, tránh để học sinh bị quá tải do bài giảng kéo dài.

“Khoảng thời gian lý tưởng cho mỗi phiên học không quá 15 phút và mỗi buổi học không quá 4 phiên học. Giáo viên phải luôn thu hút sự chú ý của trẻ khi bắt đầu buổi học bằng một điều gì đó trẻ yêu thích như những lời chào sáng tạo trước khi vào bài học”, PGS TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.  

Các hoạt động thể chất xen giữa các tiết học là điều rất cần thiết để trẻ thư giãn giữa các bài học cũng như phát triển các kỹ năng vận động và phối hợp tay, mắt. Giáo viên cần tránh việc vô tình tạo áp lực thời gian cho học sinh, khiến hứng thú học tập của các em bị triệt tiêu. Cần chuẩn bị các hình thức khen thưởng, ghi nhận sự nỗ lực của trẻ và thống nhất với phụ huynh về việc quy đổi các thành tích của trẻ thành các phần thưởng hữu hình.  

Với học sinh gặp khó khăn trong học tập, ngoài giờ dạy, giáo viên cũng có thể cung cấp thông tin liên lạc và hỗ trợ cá nhân dựa trên nhu cầu và đăng ký của học sinh. Cùng với đó, giáo viên cần chủ động trao đổi với phụ huynh thông qua các kênh liên lạc, chia sẻ các nguồn học liệu số, gợi ý vận động giúp phụ huynh quản lý hành vi và phát triển năng lực của trẻ.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích