Thêm 3,94 tỷ USD rót vào Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2022

Số dự án cấp mới trong năm 2022 đã nâng tổng số dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến ngày 20/12/2022 là 11.273 dự án, với vốn đăng ký là 55,84 tỷ USD.

Thêm 3,94 tỷ USD rót vào Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2022
Sản xuất linh kiện điện tử kỹ thuật cao tại Cty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam (Nhật Bản) trong Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố, bao gồm dự án cấp mới, điều chỉnh vốn đăng ký và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp là 3,94 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ.

Số dự án cấp mới giấy chứng nhận đầu tư là 893 với vốn đăng ký đạt 601,1 triệu USD, giảm 12,5% về vốn so với cùng kỳ; trong đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy có 338 dự án, vốn đăng ký 176,9 triệu USD, chiếm 29,4% vốn đăng ký cấp mới; tiếp đó là hoạt động thông tin và truyền thông có 186 dự án, vốn đăng ký 139,3 triệu USD, chiếm 23,2%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ 231 dự án, vốn đăng ký 107,5 triệu USD, chiếm 17,9%.

Nhà đầu tư nước ngoài phân theo quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore dẫn đầu với 167 dự án, vốn đăng ký đạt 235,4 triệu USD, chiếm đến 39,2% vốn đăng ký cấp mới; tiếp theo là Nhật Bản với 86 dự án, vốn đăng ký 97,2 triệu USD, chiếm 16,2%; Hàn Quốc với 122 dự án, vốn đăng ký đạt 60,3 triệu USD, chiếm 10,0%.

Về điều chỉnh vốn đăng ký có 192 lượt dự án với số vốn tăng 1,6 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ; trong đó, Singapore là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất trong năm 2022 đạt 1.180,4 triệu USD, chiếm 73,7% vốn đăng ký điều chỉnh.

Góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 2.411 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 1.738,6 triệu USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ. Trong số đó, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với vốn góp là 826,0 triệu USD, chiếm 47,5% tổng vốn góp; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy có số vốn góp đạt 309,9 triệu USD, chiếm 17,8%; kinh doanh bất động sản 225,2 triệu USD, chiếm 13,0%.

Singapore và Hàn Quốc là hai quốc gia có tỷ trọng vốn góp cao lần lượt chiếm 47,5% và 16,9%.

Với số dự án cấp mới trong năm 2022 đã nâng tổng số dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn thành phố đến ngày 20/12/2022 là 11.273 dự án với vốn đăng ký là 55,84 tỷ USD. Qua đó, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước.

Để có kết quả trên, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong năm 2022, thành phố đã tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm kêu gọi, thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp trọng yếu, dự án trọng điểm; đồng thời, tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, trao đổi, tham vấn ý kiến và đối thoại với nhà đầu tư.

Điển hình là hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn năm 2022; Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ – Supporting Industry Show 2022 trong khuôn khổ Triển lãm “METALEX Vietnam 2022;” hội thảo giới thiệu môi trường đầu tư khu vực phía Nam Việt Nam với doanh nghiệp Hàn Quốc; hội nghị Bàn tròn gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Cộng đồng doanh nghiệp tại Thành phố Los Angeles (Hoa Kỳ), hội nghị bàn tròn gặp gỡ giữa Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Cộng đồng doanh nghiệp tại Silicon Valley (Hoa Kỳ); hội nghị thúc đẩy phát triển kinh tế giữa tỉnh Hyogo (Nhật Bản) và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022; hội nghị gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh-Singapore lĩnh vực phát triển đô thị và hạ tầng đô thị; hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và Hiệp hội doanh nghiệp các nước trên địa bàn thành phố năm 2022; hội nghị bàn tròn Doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022…

Ngoài ra, thành phố đã tổ chức 127 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển thị trường, kết nối giao thương (B2B) thông qua các sự kiện hội chợ-triển lãm thương mại và đầu tư; chương trình kết nối doanh nghiệp với các tập đoàn bán lẻ, hệ thống phân phối./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích