Truy xuất nguồn gốc giúp hàng Việt tự tin ‘đem chuông đi đánh xứ người’

 Ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (NBC). Ảnh: Hà Thủy.

Nhìn vào “bản đồ” các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, có thể thấy các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, trong đó có vấn đề về TXNG đang rất được đề cao, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của TXNG trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu?

Trước tiên, vấn đề TXNG đang dần trở thành rào cản phi thuế quan, nội dung về TXNG trong các FTA gần như là những nội dung bắt buộc trong tương lai. Khi hàng rào thuế quan ngày càng được giảm thiểu bởi các FTA thì các hàng rào phi thuế quan sẽ có xu thế phát triển và tăng cường. TXNG cũng dần trở thành một hàng rào như vậy.

Để các sản phẩm hàng hóa của chúng ta giữ vững được vị thế và phát triển thêm các thị trường mới, việc thực hiện TXNG có vai trò rất quan trọng. Ví dụ, ngay thị trường chính ngạch Trung Quốc, với các sản phẩm nông sản, công nghiệp nhẹ… thì yêu cầu về TXNG đang trở thành yêu cầu bắt buộc trong Nghị định thư giữa hai nước.

Vậy đâu là tiềm năng và khó khăn của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để TXNG trong câu chuyện tạo ra lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng?

Chúng ta đều biết rằng doanh nghiệp đã thực hiện TXNG từ rất nhiều năm, các đơn vị nhập khẩu, đa phần thị trường mục tiêu của chúng ta đều yêu cầu TXNG. Họ đã thực hiện TXNG bằng cách sử dụng bên thứ 3 hoặc sử dụng người của doanh nghiệp sang tận nơi để giám sát quá trình sản xuất, hình thành và sau đó mới nhập khẩu.

Bằng sự phát triển của công nghệ thông tin, các công nghệ IoT, Big Data, iCloud và rất nhiều công nghệ tiên tiến khác thì việc TXNG ứng dụng công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển. Tiềm năng của ứng dụng công nghệ thông tin trong TXNG là giúp giảm thiểu nhân lực tham gia quá trình thực hiện TXNG, giảm thiểu giá thành sản phẩm, đồng thời quá trình đánh giá nhà cung cấp cũng diễn ra nhanh hơn, tức thời hơn và các sản phẩm rất dễ dàng tiếp cận các thị trường mục tiêu.

Tuy nhiên, bản chất TXNG giống như một công cụ chuyển đổi số mà các doanh nghiệp không phải riêng Việt Nam mà toàn thế giới đều phải áp dụng. Việc chuyển đổi số ứng dụng trong quản lý, sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn, chuyển đổi từ công nghệ, phương thức truyền thống sang công nghệ trong thời đại mới là chuyển đổi số hoàn toàn quá trình sản xuất, giám sát, quá trình xuất nhập khẩu cần sự thay đổi hạ tầng với đầu tư rất lớn về nguồn lực.

Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia hiện đã triển khai Đề án 100 của Chính phủ về TXNG được gần 4 năm, xin ông cho biết kết quả của Đề án này sau 4 năm triển khai và có những thuận lợi, khó khăn gì?

Ông Bùi Bá Chính trò chuyện với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online. Ảnh: Hà Thủy. 

Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia là đầu mối thực hiện Đề án 100 đã đồng hành cùng các địa phương, hiện có 62/63 tỉnh thành đã ban hành kế hoạch để thực hiện Đề án. 63/63 tỉnh thành đã thực hiện một số hoạt động trong khuôn khổ Đề án, dù 1 tỉnh chưa ban hành nhưng cũng đang có nhiều hoạt động để xây dựng, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện TXNG một số sản phẩm trọng điểm của địa phương hoặc sản phẩm OCOP. Trung tâm cũng cung cấp thông tin, kết quả để Bộ KH&CN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai Đề án thời gian qua. Qua đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục nghiêm túc, chủ động phối hợp triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của đề án.

Trong quá trình triển khai Đề án, rất nhiều doanh nghiệp với sự sáng tạo nhất định đã bước đầu áp dụng hệ thống TXNG, dù hệ thống TXNG còn khá tự phát. Còn khó khăn là tới đây chúng ta phải kết nối được tất cả hệ thống theo mục tiêu của Đề án và chuẩn hóa các hệ thống đang thực hiện.

Với sự ra mắt của Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia sắp tới, doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng gì để tham gia vào hệ sinh thái TXNG đầu tiên của Việt Nam, thưa ông?

Cổng thông tin TXNG Quốc gia đóng vai trò như cầu nối để kết nối tất cả các thành phần tham gia, cụ thể là giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng đều thông qua Cổng thông tin để kết nối, hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm. Bởi mỗi ngành đều quản lý một khâu hoặc một dòng sản phẩm khác nhau trong xã hội. Mỗi một địa phương lại có những đặc trưng sản phẩm riêng, có thể chỉ thực hiện một khâu trong chuỗi hình thành nên giá trị sản phẩm. Muốn TXNG, chuỗi sản phẩm đó phải được tự động hình thành nhưng nếu không có sự kết nối dữ liệu thì không hình thành được chuỗi đầy đủ.

Cổng thông tin TXNG Quốc gia cũng sẵn sàng chờ và kết nối với quốc tế. Hải quan của các thị trường mục tiêu có thể lấy thông tin về sản phẩm, hàng hóa phục vụ việc thông quan trước hoặc đưa sản phẩm minh bạch sang “luồng xanh”. Gần đây, với sản phẩm sầu riêng được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc yêu cầu sầu riêng phải được TXNG, trong đó định danh rõ vùng trồng, xưởng sơ chế và đơn vị thực hiện xuất khẩu. Khi hoạt động TXNG rõ ràng – có sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ (cụ thể là Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia), nếu kết nối được với Hải quan của Trung Quốc thì đảm bảo sản phẩm sầu riêng của chúng ta sẽ được lưu thông nhanh, tránh ách tắc trong quá trình thông quan.

Theo ông, triển vọng để sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông sản của Việt Nam được lên kệ hàng của các thị trường quốc tế có sự tham gia của TXNG sẽ khởi sắc như thế nào trong năm 2023?

Năm 2023 có thể là năm các hoạt động chuyển đổi của 3 năm Covid vừa rồi, sẽ tác động tích cực và hình thành kết quả trong năm này. Đó là chuyển từ thương mại truyền thống sang các mô hình thương mại phi truyền thống. Hệ thống TXNG sẽ góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với nhiều sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Khi đó, những sản phẩm được kết nối với Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa Quốc gia và hình ảnh sản phẩm sẽ trưng bày trên kệ của các trang thương mại điện tử. Nếu theo chuẩn của hệ thống TXNG, chuẩn của GS1 thì sản phẩm rất dễ dàng được đặt lên kệ của sàn thương mại điện tử Amazon, bởi Amazon cũng theo chuẩn GS1. Khi lên các trang thương mại điện tử quốc tế, các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có thể xuất hiện tại nhiều gia đình của các quốc gia trên toàn thế giới.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ngọc Xen (thực hiện)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích