Malaysia – thúc đẩy năng suất thông qua thực hành quy định tốt (phần I)

Malaysia đã có mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ổn định trong 25 năm qua và hơn thế nữa. Mô hình tăng trưởng bao trùm đã giúp Malaysia giảm đáng kể tỷ lệ nghèo đói. Nền kinh tế từng phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm sơ cấp như thiếc và cao su đã đa dạng hóa để trở thành nhà xuất khẩu các sản phẩm điện và điện tử, dầu cọ và khí đốt tự nhiên.

Tăng trưởng của Malaysia chủ yếu được thúc đẩy bởi đầu vào thông qua bơm vốn và lao động vào nền kinh tế. Sự tăng trưởng dựa vào đầu vào này đang trở nên tốn kém hơn để duy trì với mỗi đơn vị đầu vào bơm vào nền kinh tế mang lại tăng trưởng GDP ít hơn so với quá khứ.

Do đó, điều quan trọng là Malaysia chuyển từ định hướng đầu vào sang tăng trưởng dựa trên năng suất để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững. Có một số thách thức đối với tăng trưởng năng suất của Malaysia. Những thách thức này được nhóm thành năm loại: Năng lực của lực lượng lao động, công nghệ, chính sách ưu đãi, môi trường kinh doanh và tư duy về năng suất.

Kế hoạch tổng thể về năng suất của Malaysia đã được phát triển để đẩy nhanh việc thực hiện các chiến lược, sáng kiến và chương trình cải thiện năng suất ở cấp quốc gia, ngành và doanh nghiệp thông qua năm mũi nhọn chiến lược. Cơ chế hoạt động này rất quan trọng để đảm bảo cải thiện năng suất toàn diện và có hệ thống.

Trong đó, môi trường kinh doanh hiện đang là thách thức lớn cần phải cải thiện, cụ thể các rào cản pháp lý cần phải được giảm bớt, và giải thích các quy định và được áp dụng với tính nhất quán cao hơn, nhằm nâng cao tính dễ dàng và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp qua đó sẽ thúc đẩy việc tăng năng suất.

Năm 2010, Malaysia đã thực hiện các sáng kiến cải cách quy định, giảm thiểu các gánh nặng về quy định đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Malaysia. Sáng kiến này nhằm mục tiêu hướng tới một môi trường pháp lý hiện đại, hợp lý và đây cũng là một thành phần quan trọng trong chiến lược của Chính phủ Malaysia nhằm tăng khả năng cạnh tranh kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh của họ.

Ông Kabir Ahmad Mohd Jamil – Chuyên gia APO (Tổ chức năng suất Châu Á) chia sẻ Kinh nghiệm của Malaysia với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. 

MPC (Malaysia Productivity Cooperation – Cơ quan Năng suất Malaysia) được giao thực hiện việc rà soát toàn diện các quy định kinh doanh và cải tiến quy trình, thủ tục để tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của các ngành kinh tế chính.

Cải cách quy định sẽ được đẩy mạnh để đảm bảo các quy định mới và hiện hành cũng như việc quản lý và thực thi chúng phù hợp với các thông lệ quản lý tốt. Điều này sẽ được thực hiện bằng cách mở rộng việc áp dụng Chính sách quốc gia về phát triển và thực hiện các quy định (NDPIR) cho các bang và chính quyền địa phương, đồng thời tiến hành đánh giá quy định thường xuyên đối với các bộ và cơ quan.

Năm 2021, Chính sách Quốc gia về Thực hành Quy định tốt (PNGRP) đã được thực hiện với chủ đề: Tăng năng suất thông qua chất lượng quy định. Chính sách này tập trung vào chất lượng các quy định và môi trường kinh doanh thuận lợi giúp tăng năng suất và khả năng cạnh tranh.

Mục tiêu của chính sách là: Tăng cường tuân thủ GRP để đưa ra quy định mới và sửa đổi các quy định hiện hành nhằm thúc đẩy năng suất và khả năng cạnh tranh ở Malaysia và nhấn mạnh tầm quan trọng của GRP đối với các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là đảm bảo chất lượng của chính sách và quy định.

Mai Phương – Văn phòng TBT Việt Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích