Thừa Thiên – Huế: Chọn phương án thành lập các đơn vị hành chính khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
(Xây dựng) – Chiều 29/12, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức Hội thảo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phương án mô hình thành lập các đơn vị hành chính khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thành phố Huế được chia làm quận phía Nam và quận phía Bắc. |
Theo Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế, phương án thành lập các đơn vị hành chính thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, phương án 1, sẽ có 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Phương án 2 sẽ có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện.
Theo phương án 1, thành phố Huế sẽ được chia làm 2 quận, quận phía Bắc gồm 13 phường với diện tích tự nhiên 127,005km2, dân số 200.838 người. Quận phía Nam gồm 19 phường với diện tích tự nhiên 139,408km2, dân số 290.518 người. Thành lập quận Hương Thủy gồm 7 phường, diện tích tự nhiên 165,741km2, dân số 98.066 người. Thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở địa giới hành chính của huyện Phong Điền, gồm 6 xã, 6 phường, với diện tích tự nhiên 945,661km2, dân số 91.291 người.
Huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông sẽ nhập huyện Nam Đông thành 1 huyện mới gồm 24 xã và 3 thị trấn với diện tích 1.368,233km2, dân số 160.788 người. Thị xã Hương Trà gồm 5 phường và 5 xã với diện tích tự nhiên 654,315km2, dân số 67.531 người. Giữ nguyên trạng 3 đơn vị hành chính cấp huyện là Phú Vang, Quảng Điền và A Lưới.
Ở phương án 2, tỉnh Thừa Thiên- Huế khi lên thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Cụ thể, như phương án 1, giữ nguyên hiện trạng thị xã Hương Thủy.
Phương án về tên gọi của tỉnh khi lên thành phố trực thuộc Trung ương có 2 phương án. Phương án 1, lấy tên thành phố Huế; phương án 2 thành phố Thừa Thiên – Huế. Dự kiến tên gọi các đơn vị hành chính quận phía Nam được đề xuất các tên là Thuận Hóa, Thừa Thiên, Ngự Bình và quận phía Bắc là Phú Xuân, Thuận Hóa, Hương Giang.
Chức năng đô thị quận phía Nam trở thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… của thành phố trực thuộc Trung ương. Khu vực còn nhiều quỹ đất để xây dựng, phát triển đô thị. Khu vực Thủy Bằng, Thủy Xuân giúp phát triển du lịch dịch vụ, bảo vệ quần thể di tích lịch sử, văn hoá. Khu vực phía Tây của đô thị trung tâm thành phố, nơi tập trung khu nghiên cứu phát triển và công nghiệp tri thức. Đặc biệt, đây là khu quy hoạch tập trung của Đại học Huế chất lượng cao của miền Trung và Tây Nguyên. Khu vực Thủy Vân, Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu được quy hoạch để phát triển du lịch, dịch vụ làng nghề thủ công.
Khu vực phía Đông, có vùng biển và đầm phá rộng lớn, phát huy thế mạnh về du lịch, dịch vụ sinh thái biển và vùng đầm phá. Phát triển các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, cảng biển, là trung tâm kinh tế, quốc phòng, công nghiệp cảng, đóng và sửa chữa tàu thuyền, khai thác đánh bắt nuôi trồng thuỷ hải sản và kinh tế đầm phá.
Quận phía Bắc nơi tập trung các di tích, di sản, nhà vườn… nên định hướng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái, nhà vườn. Tập trung của chuỗi đô thị phố cổ (như Phú Hiệp, Phú Cát, Bao Vinh, chợ Dinh…), được quy hoạch phát triển cụm công nghiệp phụ trợ về văn hóa, di sản; có chợ Đông Ba nổi tiếng trên địa bàn, là nơi tập trung buôn bán sầm uất và giàu tiềm năng phát triển các loại dịch vụ.
Khu vực Hương An, Hương Hồ, Hương Vinh thuận lợi cho việc phát triển đô thị, tạo quỹ đất để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật của thành phố như: Nghĩa trang, khu xử lý chất thải rắn, lò giết mổ động vật tập trung, phục vụ tái định cư các dự án khu vực Bắc sông Hương.
Quận Hương Thủy được quy hoạch với vai trò đảm nhận chức năng dịch vụ phức hợp của trung tâm chức năng công nghiệp, là cửa ngõ phía Nam của đô thị trung tâm Huế. Cung cấp dịch vụ công cộng cho thành phố Huế và khu vực Hương Thủy; phát triển các chức năng cư trú, công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế, tỉnh này dự kiến đạt 80,05/100 điểm theo 5 tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 26/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Một số tiêu chuẩn Thừa Thiên – Huế chưa đạt, cần phấn đấu từng bước hoàn thiện như thu nhập bình quân đầu người so với trung bình cả nước; mật độ đường giao thông; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng; diện tích đất giao thông bình quân đầu người; mật độ đường cống thoát nước chính; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng; công trình xanh…
Ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh: Công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng để thực hiện Nghị quyết 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên – Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định đến năm 2025, Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Trên cơ sở quy định của Nghị quyết 1211 và Nghị quyết 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, tỉnh đã xây dựng một số mô hình đô thị thành phố trực thuộc Trung ương. Nhân Hội thảo ngày hôm nay, Thừa Thiên Huế mong muốn lựa chọn mô hình đô thị trực thuộc Trung ương phù hợp, đảm bảo giữ được nét đặc sắc của một đô thị có đặc thù về di sản mà vẫn đảm bảo những tiêu chí, tiêu chuẩn của một thành phố trực thuộc Trung ương theo các quy định của pháp luật.
Nguồn: Báo xây dựng