Làn sóng về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp

Tín hiệu tích cực

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, giảm thủ tục hành chính, thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN).

Mặc dù vậy, lãnh đạo VCCI cho rằng, một số lượng lớn DN chưa thực sự quan tâm đến chiều sâu trong chuyển đổi số. Chiều sâu của chuyển đổi số là đánh giá mức độ chuyển đổi số của DN chi tiết theo tiêu chí khoa học, rõ ràng, từ đó có những thay đổi, chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Đường, chuyên gia chuyển đổi số thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác chuyển đổi số đã có những bước tiến rõ ràng qua 3 năm thực hiện, đồng thời tạo ra làn sóng về chuyển đổi số trong các DN. Chỉ tính riêng trên Cổng chuyển đổi số DN nhỏ và vừa SMEdx của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có trên 600.000 DN tiếp cận, tham khảo thông tin về các nền tảng được đăng tải trên đó; khoảng 70.000 DN sử dụng một trong số các nền tảng của Chương trình để chuyển đổi số, chiếm 1/10 số lượng DN.

Do đó, ông Nguyễn Trọng Đường cho rằng, trên thực tế việc tiến hành chuyển đổi số mới chỉ ở phần nhận thức. Để chuyển đổi số đi vào thực chất, cuối năm 2021 Bộ TT&TT đã ban hành Bộ chỉ số đo lường mức độ chuyển đổi số của DN. Đại diện Bộ TT&TT khuyến nghị các DN có thể gửi kết quả tự đo lường cho Bộ để cơ quan này có thể đánh giá sát sao hơn, từ đó xây dựng lộ trình phù hợp để biết được mức độ ưu tiên chuyển đổi số của DN.

“Trong thời gian tới sẽ có ngày càng nhiều DN quan tâm tham gia mạnh mẽ hơn trong việc đánh giá mức độ chuyển đổi số, để chuyển đổi số thực sự mang lại lợi ích cho DN”, ông Nguyễn Trọng Đường kỳ vọng.

 Ảnh minh hoạ

Chuyển đổi số giúp DN nâng cao sức cạnh tranh

Dưới góc độ DN công nghệ, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty CP MISA nhấn mạnh, kinh nghiệm chuyển đổi số cho DN vừa và nhỏ rằng cần chú ý đến 3 tiêu chí: dễ tiếp cận, rẻ và nhanh nhìn thấy kết quả. Về phía nhà cung cấp dịch vụ, quan trọng nhất là hiệu quả, kinh nghiệm tư vấn trong việc chuyển đổi tư duy của cán bộ trong DN. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại diện MISA khuyến nghị nhóm DN này cần chủ động tiếp cận thang điểm của Bộ TT&TT; dựa vào các khung chuyển đổi số để chọn xem DN muốn làm gì; đồng thời lựa chọn các nhà cung cấp uy tín.

Ông Lưu Danh Anh Vũ, Giám đốc khối Giải pháp CMC Telecom nhấn mạnh, chuyển đổi số là một hành trình chứ không phải cứ áp dụng ở khâu nào thì thấy được ngay con số cụ thể. Giới thiệu một số kinh nghiệm về ứng dụng chuyển đổi số, ông Bùi Hải Hà, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Công ty CP bán lẻ kỹ thuật số FPT) chia sẻ, FPT Long Châu là DN đầu tiên có hơn 1.000 nhà thuốc tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Năm 2022, DN đầu tư hệ thống bán hàng mới thay thế cho toàn bộ hệ thống bán hàng trước đó. Theo đó, đơn vị không quá tập trung vào việc xây dựng hệ thống bán hàng như thế nào mà tất cả tính năng của ứng dụng (app) bán hàng đều được thực hiện theo yêu cầu của dược sĩ và khách hàng. Vì vậy, hệ thống bán hàng mới có khả năng tiếp cận được yêu cầu của khách hàng nhanh nhất. Để ra mắt hệ thống bán hàng mới, FPT Long Châu đã hợp tác với FPT Software. Một đội ngũ nhân viên gồm 200 người làm việc liên tục trong gần 1 năm trên nền tảng ICloud.

“Kết quả kinh doanh khả quan đến từ cam kết của DN, cam kết đồng hành, hợp lực và sự đầu tư thích đáng về mặt con người, chúng tôi đã đạt được mục tiêu ban đầu đưa ra là chuyển đổi số cho FPT Long Châu”, ông Bùi Hải Hà chia sẻ.

Nhấn mạnh ý nghĩa của cơ sở dữ liệu, ông Nguyễn Ngọc Khiêm, Phó Viện trưởng Viện Tin học DN (VCCI) cho hay, dữ liệu có vai trò quan trọng khi DN phân tích dữ liệu và đưa ra chiến lược, kế hoạch kinh doanh. “Cần xây dựng và chia sẻ dữ liệu quốc gia, coi như “tài sản chung” chứ không của riêng ngành, lĩnh vực nào. Chúng ta đã làm tốt lĩnh vực thủ tục hành chính nhưng còn nhiều lĩnh vực khác cần được đẩy mạnh triển khai.

Vấn đề nữa cần chú ý là bảo mật thông tin, bởi nếu không bảo đảm an toàn thông tin tốt là nguy cơ lớn với DN. Chính phủ và các bộ ngành cũng cần có chính sách khuyến khích, có chương trình đào tạo tốt cho DN về vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu”, ông Nguyễn Ngọc Khiêm nói.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích