Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức mới của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức mới của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Diệp Anh –  Thứ tư, 28/12/2022 18:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định 108/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Theo Nghị định 108/2022/NĐ-CP, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật.

tm-img-alt
Sáp nhập nhiều đơn vị trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là: Vietnam Academy of Social Sciences, viết tắt là VASS.

Về chiến lược, chương trình, kế hoạch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có nhiệm vụ và quyền hạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, các chương trình, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các dự án, đề án quan trọng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

Tham gia thẩm định khoa học các đề án, dự án quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về khoa học xã hội:

Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Những vấn đề cơ bản về phát triển toàn diện con người Việt Nam và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa của văn hóa, văn minh nhân loại; những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc, tôn giáo, lịch sử, văn hoá, văn học, ngôn ngữ, tâm lý học nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những vấn đề cơ bản, toàn diện, có hệ thống về lý thuyết phát triển của Việt Nam dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; những khía cạnh khoa học xã hội của nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa và ứng phó với biến đổi khí hậu và đánh giá tác động đến tiến trình phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam.

Kinh nghiệm phát triển trên thế giới, dự báo xu hướng phát triển chủ yếu của khu vực và thế giới, đánh giá những tác động nhiều mặt của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đến sự phát triển toàn cầu, khu vực và Việt Nam.

Về cơ cấu tổ chức: 

Theo Nghị định mới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có 38 đơn vị trực thuộc. Giảm 5 đơn vị so với Nghị định trước đây. Cụ thể : Đến hết năm 2023 và 2024, sáp nhập, giải thể Trung tâm Phân tích và Dự báo; Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; Viện Nghiên cứu Kinh thành; Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.

Cơ cấu tổ chức mới hiện nay gồm:

1- Ban Tổ chức – Cán bộ.

2- Ban Kế hoạch – Tài chính.

3- Ban Quản lý Khoa học.

4- Ban Hợp tác quốc tế.

5- Văn phòng.

6- Viện Triết học.

7- Viện Nhà nước và Pháp luật.

8- Viện Kinh tế Việt Nam.

9- Viện Xã hội học.

10- Viện Nghiên cứu Văn hóa.

11- Viện Nghiên cứu Con người.

12- Viện Tâm lý học.

13- Viện Sử học.

14- Viện Văn học.

15- Viện Ngôn ngữ học.

16- Viện Nghiên cứu Hán – Nôm.

17- Viện Dân tộc học.

18- Viện Khảo cổ học.

19- Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

20- Viện Địa lý nhân văn.

21- Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.

22- Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

23- Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ.

24- Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên.

25- Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng.

26- Viện Kinh tế và Chính trị thế giới.

27- Viện Nghiên cứu Trung Quốc.

28- Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

29- Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.

30- Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi.

31- Viện Nghiên cứu Châu Âu.

32- Viện Nghiên cứu Châu Mỹ.

33- Viện Thông tin Khoa học xã hội.

34- Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin.

35- Học viện Khoa học xã hội.

36- Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

37- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam.

38- Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

Các đơn vị quy định từ (1) đến (5) nêu trên là các đơn vị chuyên môn giúp việc cho Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Văn phòng được tổ chức 10 phòng.

Các đơn vị quy định từ (6) đến (34) nêu trên là các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Các đơn vị quy định từ (35) đến (38) nêu trên là các đơn vị sự nghiệp công lập khác.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tố chức của các đơn vị trực thuộc.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có Chủ tịch và không quá 04 Phó Chủ tịch.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Các Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; có trách nhiệm giúp Chủ tịch Viện chỉ đạo, giải quyết một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Viện, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

Về Điều khoản chuyển tiếp, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các Đề án kiện toàn, sắp xếp các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm bảo đảm theo đúng quy định, cụ thể như sau:

Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Kinh tế Việt Nam hoạt động đến hết năm 2023, sau đó thực hiện sáp nhập Trung tâm Phân tích và Dự báo vào Viện Kinh tế Việt Nam theo quy định tại (8) nêu trên.

Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông hoạt động đến hết năm 2023, sau đó thực hiện hợp nhất thành Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi theo quy định tại (30) nêu trên.

Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học hoạt động đến hết năm 2024, sau đó thực hiện sáp nhập Viện Nghiên cứu Kinh thành vào Viện Khảo cổ học theo quy định tại (18) nêu trên.

Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học hoạt động đến hết năm 2024, sau đó thực hiện sáp nhập Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam vào Viện Ngôn ngữ học theo quy định tại (15) nêu trên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 thay thế Nghị định số 99/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ ./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích